Financial Times: Thời khắc kinh tế của Việt Nam đã đến

Theo nhật báo tài chính Financial Times (FT) của Anh, thời khắc kinh tế của Việt Nam đã đến và chúng ta cần phải tận dụng sự bùng nổ trong hoạt động sản xuất để phát triển lâu dài.

FT cho rằng Việt Nam cần tái đầu tư cổ tức tăng trưởng để hỗ trợ phát triển các ngành giàu tri thức, năng suất cao hơn nhằm đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Ảnh minh họa: Bloomberg
Tờ FT ngày 9/7 nhận định sau nhiều thập kỷ hứa hẹn, thời khắc của nền kinh tế của Việt Nam cuối cùng đã đến. Đây là nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á vào năm ngoái (tăng trưởng 8%) và là một trong số ít nền kinh tế trên toàn cầu đạt được mức tăng trưởng hai năm liên tiếp kể từ đại dịch COVID-19.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng vọt lên mức cao nhất trong một thập kỷ vào năm 2022. Những tập đoàn tên tuổi lớn trong đó có Dell, Google, Microsoft và Apple đều đã chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ đến Việt Nam trong những năm gần đây. Theo đó, lợi thế vị trí gần Trung Quốc, chi phí thấp cùng với lực lượng lao động trẻ và được đào tạo tốt đã thu hút các nhà sản xuất. Ban đầu chỉ là quần áo, giày dép, nhưng giờ đây Việt Nam đã trở thành nơi sản xuất các thiết bị điện tử cao cấp hơn như AirPod của Apple.
Thời báo tài chính nổi tiếng trên cũng nhận thấy xu hướng các doanh nghiệp nước ngoài nắm bắt cơ hội để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, trong bối cảnh chi phí lao động tăng và rủi ro chính trị làm xói mòn lợi thế của Trung Quốc với tư cách là một điểm đến kinh doanh. Hơn 20 tỷ USD vốn FDI chảy vào Việt Nam năm ngoái chủ yếu từ Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam của Mỹ cũng đã tăng gần 2 điểm phần trăm kể từ khi căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh bùng phát vào năm 2018.
Theo FT, tăng trưởng nhanh dựa vào xuất khẩu đã giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo trong những thập kỷ gần đây. Nhưng tờ báo khẳng định nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng để đạt được thành công lớn hơn. Trong ngắn hạn, để tiếp tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, Việt Nam cần củng cố môi trường kinh doanh. Về lâu dài, để đáp ứng mục tiêu đầy tham vọng của chính phủ là trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, chính phủ cũng phải tận dụng lợi ích tăng trưởng sản xuất để đa dạng hóa nền kinh tế.
Trong thập kỷ tới, Việt Nam phải nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các kế hoạch đầu tư của nhà sản xuất. Lợi thế về nhân khẩu học trẻ tuổi sẽ cung cấp lượng lớn lao động, nhưng cần chú ý đến tính cạnh tranh về tay nghề kỹ thuật. Các trường học của Việt Nam có chất lượng vượt trội trên toàn cầu, nhưng chất lượng trong trường đào tạo nghề và các trường đại học cần một bước tiến mới.
Và theo FT, trên tất cả, cơ sở hạ tầng của đất nước cần được nâng cấp khi mạng lưới điện quốc gia đang phải chịu sức ép của nhu cầu công nghiệp ngày càng tăng.
Theo thời gian, Việt Nam sẽ cần tái đầu tư cổ tức tăng trưởng hiện tại để hỗ trợ phát triển các ngành giàu tri thức và hiệu quả hơn nhằm đáp ứng mục tiêu năm 2045. Các dịch vụ xương sống như tài chính, hậu cần và dịch vụ pháp lý tạo ra việc làm có tay nghề cao và gia tăng giá trị cho các ngành hiện có.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng khuyến nghị Việt Nam hỗ trợ nhiều hơn cho việc áp dụng công nghệ, tăng cường kỹ năng quản lý và tiếp tục giảm bớt các hạn chế đối với FDI trong lĩnh vực dịch vụ. FT nhấn mạnh rằng Việt Nam cần phải làm nhiều việc hơn để biến xu hướng “giảm thiểu rủi ro” ngày nay thành sự thịnh vượng lâu dài.Nguồn: Báo tin tức

Chuyên gia tiết lộ 6 bước xây dựng trải nghiệm khách hàng xuất sắc

Tại hội thảo do FSB tổ chức vừa qua, những hiểu biết sâu sắc và bộ công cụ thực chiến nhằm nâng tầm trải nghiệm khách hàng đã được các chuyên gia đầu ngành chia sẻ.

>> Chi tiết: https://cafef.vn/chuyen-gia-tiet-lo-6-buoc-xay-dung-trai-nghiem-khach-hang-xuat-sac-188230626171729162.chn

Cuộc “rong chơi” của các tỷ phú lĩnh vực truyền thông

Trong hơn một thế kỷ qua, những người giàu nhất thế giới dường như luôn có khát khao thống trị lĩnh vực truyền thông…

Giới siêu giàu trên thế giới dường như chưa bao giờ ngừng tham vọng sở hữu các phương tiện truyền thông khi đã bỏ ra hàng núi tiền để mua lại các nền tảng truyền thông đại chúng, bao gồm báo, tạp chí và thậm chí cả mạng xã hội, trong vài năm qua.
Đây không phải là một xu hướng hoàn toàn mới. Trong hơn một thế kỷ qua, những người giàu nhất thế giới dường như luôn có khát khao thống trị lĩnh vực truyền thông, với rất nhiều người trong số họ vẫn còn sở hữu các đế chế truyền thông rộng lớn cho đến ngày nay, bao gồm các gia tộc Bloomberg, Hearst, Newhouse, Murdoch và Ochs-Sulzberger.
Gần đây, tham gia vào danh sách những cái tên huyền thoại đó là một câu lạc bộ mới gồm các nhà đầu tư có “rất nhiều tiền để đốt” và với niềm tin rằng vẫn có thể kiếm được tiền hoặc thu được thứ gì đó khác từ việc sở hữu một doanh nghiệp truyền thông.
Hãy xem ai là những tỷ phú tên tuổi đã mua lại các công ty truyền thông hay báo chí trong thời gian qua?
Jeff Bezos với The Washington Post
Năm 2013, người sáng lập Amazon, Jeff Bezos đã gây chấn động thế giới khi ông đồng ý mua tờ Washington Post đang gặp khó khăn với giá 250 triệu USD. Như thường lệ xảy ra khi một tỷ phú mua một tờ báo, nhiều người tin rằng ban đầu Jeff Bezos muốn sử dụng tờ báo để định hình quan điểm của mọi người sao cho phù hợp với quan điểm của ông, đặc biệt là khi ông không có kinh nghiệm làm báo trước đó.
Tuy nhiên, phần lớn những lời chỉ trích đó đã lắng xuống, khi ông trùm của gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đã tận dụng kiến thức công nghệ của mình để tăng số lượng độc giả của tờ báo đang gặp khó khăn và cách mạng hóa các dịch vụ kỹ thuật số của nó. The Washington Post mới đây đã báo cáo rằng có hơn 58 triệu lượt khách truy cập vào trang web vào tháng 12 năm 2022.
Patrick Soon-Shiong với Los Angeles Times
Patrick Soon-Shiong là một doanh nhân công nghệ sinh học nổi tiếng với việc phát minh ra loại thuốc trị ung thư Abraxane. Năm 2018, ông tiếp tục nổi tiếng hơn nữa khi bỏ ra một núi tiền lớn mua lại một số ấn phẩm, bao gồm The Los Angeles Times và The San Diego Union-Tribune cũng như một số đầu sách khác từ Tribune Publishing với giá 500 triệu USD.
Bản thân Patrick Soon-Shiong cũng đã lên tiếng rằng ông mong muốn sẽ mang lại những ngày tháng vinh quang cho tờ Los Angeles Times, tờ báo địa phương của ông, loại bỏ tin giả và trỏ thành một đối thủ xứng tầm với The Washington Post và The New York Times, bằng bất cứ giá nào.
Elon Musk với X Corp.
Elon Musk, CEO của nhà sản xuất xe điện Tesla đã bỏ ra để mua lại gã khổng lồ mạng xã hội Twitter, giờ đây đổi tên thành X Corp., vào tháng 10 năm 2022 với giá 44 tỷ USD. Elon Musk đã đưa ra lời đề nghị vào tháng 4/2022 khi ông tuyên bố sẽ giới thiệu một số thay đổi để khai thác tiềm năng của Twitter. Trong số đó có việc khuyến khích tự do ngôn luận trên nền tảng bằng cách kiểm duyệt nội dung ít hơn. Đồng thời, Musk cũng công bố kế hoạch biến công ty đại chúng thành tư nhân và hủy niêm yết cổ phiếu của nó.
Mặc dù thương vụ mua lại của Elon Musk là rất đáng chú ý song hiện giờ lại không phải là ông chủ của Tesla mà chính là Rupert Murdoch.
Marc Benioff với The Time
Năm 2018, Marc Benioff và vợ đã mua tạp chí Time với giá 190 triệu USD, và tuyên bố rằng mục đích của họ là chống lại “sự khủng hoảng niềm tin”.
Giám đốc điều hành của Salesforce cho biết ông muốn trao cho tạp chí sức mạnh tài chính “để thực hiện sứ mệnh cung cấp thông tin trung thực, đáng tin cậy cho độc giả” và về cơ bản đóng vai trò là “người quản lý” của báo chí thực sự trong thời điểm mà niềm tin đang thiếu và thông tin sai lệch được lan truyền bởi các nguồn đáng ngờ.Nguồn: DĐDN

Hàng trăm người đội mưa lớn đến tham dự hội thảo “Xu hướng trải nghiệm khách hàng, nâng cao vị thế cạnh tranh”

Tối ngày 20/6/2023, hàng trăm người đã không ngại đối mặt với mưa lớn để đến tham dự hội thảo "Xu hướng trải nghiệm khách hàng, nâng cao vị thế cạnh tranh" do FSB tổ chức, tại trụ sở chính của Tập đoàn Tòa nhà FPT. Sự kiện đã thu hút gần 500 người tham dự, trong đó có hơn 200 người tham gia trực tiếp tại hội trường và 300 người tham gia qua kênh trực tuyến.

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ và thảo luận về xu hướng trải nghiệm khách hàng hiện đại và cách nâng cao vị thế cạnh tranh của các doanh nghiệp. Với sự xuất hiện của hai vị diễn giả nổi tiếng là Ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Đại học FPT và Ông Nguyễn Dương – Nhà sáng lập CEMPARTNER.
 
Trước sự phát triển không ngừng của công nghệ và sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, việc tạo ra trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng đã trở thành một yếu tố quan trọng để đạt được thành công kinh doanh. Ông Hoàng Nam Tiến đã đề cập đến những xu hướng mới nhất trong lĩnh vực này, bao gồm sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI và IoT. Ông cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tận dụng dữ liệu khách hàng và công nghệ để cải thiện trải nghiệm của họ.
 
 
Ông Nguyễn Dương, trong bài diễn thuyết của mình, đã chia sẻ những thành công và thách thức trong việc xây dựng một chiến lược trải nghiệm khách hàng hiệu quả. 
 
Sự kiện đã tạo ra một diễn đàn sôi nổi cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia và những người quan tâm đến lĩnh vực trải nghiệm khách hàng để thảo luận, trao đổi ý kiến và chia sẻ những ý tưởng sáng tạo.
 

Tin FSB

Phát triển bền vững để làm gì nếu không vượt qua được khó khăn trước mắt?

Dù phát triển bền vững đã trở thành nhu cầu sát sườn, song câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp tự đặt ra lúc này là phát triển bền vững để làm gì nếu không vượt qua được khó khăn trước mắt.

Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD.

Câu hỏi khó về phát triển bền vững

Theo một khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng mới thực hiện gần đây về khó khăn doanh nghiệp và triển vọng kinh tế cuối 2023, bức tranh kinh tế hiện nay đang có nhiều gam màu tối.
Cụ thể, trên 82% doanh nghiệp cho biết dự kiến giảm quy mô, tạm dừng, hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại năm nay. Doanh nghiệp cũng thể hiện niềm tin thấp, khi hơn 81% đánh giá tiêu cực hoặc rất tiêu cực về triển vọng kinh tế.

Có thể nói, những con số này cũng tương đồng với những dự báo đã được đưa ra trước đó, về một giai đoạn “hậu Covid”. Đó mới là lúc doanh nghiệp thực sự “ngấm đòn”, khi nguồn lực dữ trữ đã cạn kiệt vì phải ứng phó với đại dịch.
Nhận định này được ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), đưa ra tại Lễ phát động chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững 2023 (CSI 2023) mới đây.
Theo ông Vinh, nếu như vài năm trước đây, doanh nghiệp còn mơ hồ, nghĩ về phát triển bền vững như một câu chuyện xa xôi, chỉ dành cho “các ông lớn”, thì bây giờ, câu chuyện đó đã trở nên sát sườn, thực tế hơn.
Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp lại một lần nữa đối mặt với câu hỏi “phát triển bền vững để làm gì?”, nhưng ở một góc độ khác là “phát triển bền vững để làm gì nếu chúng tôi không vượt qua được khó khăn ngay lúc này?”.
“Đây rõ ràng là một câu hỏi hết sức thực tế, buộc những người làm phát triển bền vững phải nhìn nhận lại, trăn trở hơn về cách thức làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt khi hơn 90% doanh nghiệp thuộc hạng vừa và nhỏ, bứt phá khỏi “bẫy tư duy” này”, ông Vinh phân tích.
Đi tìm đáp án
Vị chủ tịch VBCSD cho rằng, câu trả lời nằm ở cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp cần Chính phủ có những chính sách hỗ trợ, “tiếp sức” kịp thời, đồng bộ, để tháo gỡ những nút thắt, khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt.
Theo khảo sát của Ban IV, doanh nghiệp đã đề xuất hàng loạt các kiến nghị, như giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Cùng với đó, tăng đàm phán thương mại để đa dạng hóa thị trường đầu vào và đầu ra, để giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.

Về phía doanh nghiệp, ông Vinh cho rằng, trước hết, doanh nghiệp cần một tư duy đúng về phát triển bền vững.
Nếu nhìn vào những doanh nghiệp đã bền bỉ theo đuổi và thực hiện chiến lược kinh doanh bền vững trước giai đoạn đại dịch xảy ra, như PNJ, Vinamilk, Traphaco, Bảo Việt, PAN Group, SASCO…, có thể thấy đó là những doanh nghiệp vẫn gặt hái được kết quả kinh doanh tốt bất chấp đại dịch, và cũng có sự phục hồi nhanh hơn so với các doanh nghiệp khác.
Nếu nhìn vào xu hướng tiêu dùng và đầu tư hiện nay, có thể thấy đó là những xu hướng tập trung vào tính bền vững.
Đơn cử, cuộc khảo sát về thói quen tiêu dùng của PwC cho thấy, người tiêu dùng ngày nay đã quan tâm nhiều hơn về môi trường, khi hơn 47% người tham gia khảo sát cho biết họ ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thể tự phân hủy.
Trước đó, báo cáo của Nielsen năm 2020 cũng chỉ ra rằng, 80% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho sản phẩm cam kết xanh và sạch, hay được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Về phía các nhà đầu tư quốc tế, họ cũng muốn ưu tiên dòng vốn đầu tư cho các doanh nghiệp, các dự án có định hướng bền vững.
“Như vậy, khi nhìn từ góc độ đó, doanh nghiệp sẽ thấy phát triển bền vững không phải là chi phí, là gánh nặng, mà chính là đầu tư và cơ hội cho doanh nghiệp”, ông Vinh nhấn mạnh.
Cùng với tư duy đó, doanh nghiệp nên thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra những sản phẩm dịch vụ xanh.
Điều này có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như khẳng định tầm nhìn và năng lực kinh doanh bền vững, để thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư dài hạn.
“Cũng giống như người ngư dân luôn thu được mẻ cá lớn sau cơn bão, doanh nghiệp khi kiên định với chiến lược phát triển bền vững, chắc chắn sẽ vươn mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết sau những thách thức trước mắt”, ông Vinh khẳng định.Nguồn: The Leader