Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp bất ngờ tăng đột biến

Dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty CP Tập đoàn Kido, Công ty CP Than Núi Béo, Công ty CP Đầu tư Nam Long vẫn có doanh thu, lợi nhuận tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ.

Doanh thu tại trung tâm thương mại của Sasco tăng 24% lên 64 tỷ đồng trong quý III.
Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco – mã chứng khoán: SAS) vừa công bố báo cáo tài chính quý III. Theo đó, doanh thu trong quý đạt 714 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và là con số cao nhất kể từ năm 2019, đánh dấu 8 quý tăng trưởng doanh thu liên tục của Sasco.
Trong cơ cấu nguồn thu của Sasco, riêng doanh thu từ các cửa hàng miễn thuế chiếm 310 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần năm ngoái. Các mảng kinh doanh khác của Sasco cũng đều tăng mạnh, như doanh thu tại trung tâm thương mại tăng 24% lên 64 tỷ đồng, doanh thu hoạt động phòng chờ tăng 62% lên 151 tỷ đồng, doanh thu các hoạt động khác tăng 21% lên 190 tỷ đồng.
Sasco cho biết, doanh thu của công ty tăng do tình hình kinh doanh của công ty trong kỳ vừa qua đã được khôi phục bình thường, sản lượng hành khách đi và đến tại nhà ga quốc nội và quốc tế đều tăng mạnh.
Trừ đi các loại chi phí, Sasco còn lãi 131 tỷ đồng quý III, gấp gần 4 lần cùng kỳ và cũng là quý có lãi cao nhất kể từ quý II/2019.
Lũy kế 9 tháng năm nay, Sasco ghi nhận doanh thu thuần 1.887 tỷ đồng tăng 124% và lãi ròng 241 tỷ đồng, tăng 99% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Sasco thực hiện được 80% kế hoạch doanh thu và 89% kế hoạch lợi nhuận năm 2023.
Tại thời điểm ngày 30/9, Sasco sở hữu 1.500 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó hơn 50% là tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn. Nợ ngắn hạn ở mức 880 tỷ đồng, phần lớn là phải trả người bán ngắn hạn. Đáng chú ý, công ty không vay nợ ngân hàng.
Tương tự, Công ty CP Tập đoàn Kido (mã chứng khoán: KDC) cũng có lãi ròng gấp 3 lần cùng kỳ trong quý III, nhờ khoản lãi của các công ty liên doanh liên kết. Cụ thể, trong 3 tháng qua, Kido ghi nhận doanh thu 2.300 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các công ty liên doanh liên kết đã chuyển từ lỗ 35 tỷ đồng ở cùng kỳ thành lãi 31 tỷ đồng trong quý III. Điều này giúp Kido lãi ròng 74 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.
Công ty CP Tập đoàn Kido có lãi ròng gấp 3 lần cùng kỳ trong quý III.
Theo lý giải từ Kido, lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính và tái cấu trúc công ty. Gần nhất, Kido đã sở hữu 68% cổ phần của thương hiệu bánh bao Thọ Phát. Hiện tại, Kido đang có 4 công ty liên doanh liên kết, gồm Thực phẩm Đông lạnh Kido (sở hữu 49% vốn điều lệ), Mỹ phẩm LG Vina (nắm 40% vốn điều lệ), Lavenue (giữ 50% vốn điều lệ) và Chế biến Thực phẩm Dabaco (Dabaco Food – nắm 50% vốn điều lệ).
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Kido ghi nhận doanh thu thuần 6.670 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi ròng lại gấp đôi cùng kỳ, đạt 673 tỷ đồng, chủ yếu nhờ quá trình tái cấu trúc và thoái vốn khỏi các khoản đầu tư.
Ngày 30/9, Kido đang có 6.950 tỷ đồng, trong đó có hơn 2.000 tỷ đồng tiền mặt và 662 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Khoản phải thu ngắn hạn ở mức 3.000 tỷ đồng, hàng tồn kho giảm một nửa so với đầu năm xuống mức 1.120 tỷ đồng.
Trong quý III, Công ty CP Than Núi Béo (Vinacomin – mã chứng khoán: NBC) ghi nhận doanh thu thuần 902 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Lãi ròng đạt gần 33 tỷ đồng, gấp 7,6 lần cùng kỳ và đây là mức lãi cao nhất kể từ quý III/2020.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Than Núi Béo ghi nhận doanh thu thuần 2.708 tỷ đồng và lãi ròng 68 tỷ đồng, tăng tương ứng 11% và 233% so với cùng kỳ. Như vậy, NBC đã thực hiện được 91% kế hoạch doanh thu và vượt kế hoạch lãi trước thuế khoảng 11%.
Công ty CP Đầu tư Nam Long có lãi ròng hơn 66 tỷ đồng, gấp 8,4 lần năm trước nhờ vào ghi nhận phần lợi nhuận phân bổ về từ dự án Mizuki.
Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) đạt doanh thu thuần gần 357 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lãi ròng của công ty hơn 66 tỷ đồng, gấp 8,4 lần năm trước nhờ vào ghi nhận phần lợi nhuận phân bổ về từ dự án Mizuki.
Tại thời điểm ngày 30/9, tổng tài sản của NLG ghi nhận gần 27.700 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Trong đó, giá trị hàng tồn kho tăng 13%, lên 16.800 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong đó là bất động sản dở dang của dự án Izumi với hơn 9.000 tỷ đồng.
Nguồn: Tiền Phong

SeMBA tôi luyện bản lĩnh doanh nhân trong kỷ nguyên VUCA

Khi “cơn bão” VUCA càn quét, làm ảnh hưởng nền kinh tế với nhiều biến động, người lãnh đạo cần phát huy tốt vai trò dẫn đầu. Trong đó, tư duy linh hoạt, sự thấu hiểu “sức khỏe” và thế mạnh của doanh nghiệp chính là cánh tay chèo đắc lực giúp người đứng đầu đưa “con thuyền” doanh nghiệp đứng vững và phát triển mạnh mẽ trong giông bão.

>> Chi tiết: https://cafebiz.vn/semba-toi-luyen-ban-linh-doanh-nhan-trong-ky-nguyen-vuca-176230930092431568.chn

Khai giảng đáng nhớ của chương trình Thạc sĩ MBA ĐH Leeds Beckett

Chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh Anh quốc – Leeds Beckett University (LBM) khoá 03 (Hà Nội) và khoá 04 (TP.HCM) đã chính thức khai giảng vào cuối tuần qua – ngày 16 & 17/9/2023.

Sau hơn 9 tháng kể từ khai giảng LBM#01HN & LBM#02HCM, chương trình LBM tiếp tục trở lại với một diện mạo mới, hoàn chỉnh, chỉn chu, hoành tráng. Các học viên từ nhiều độ tuổi, vị trí khác nhau nhưng có chung một niềm đam mê với việc không ngừng học tập và phát triển bản thân.

Trong phần mở đầu – Welcome Session, thầy Hà Nguyên – Trưởng ban Đào tạo Viện Quản trị & Công nghệ FSB, Đại học FPT, TS. Ngô Văn Cẩm và Thầy Liam Howarth – Regional Manager (East and South East Asia inc. China and Pakistan), International Recruitment & Partnerships từ trường Đại học Leeds Beckett (Anh Quốc) đã gửi lời chào mừng tới toàn thể các Tân Học viên LBM nhập học kỳ Thu 2023 trên cả nước , đồng thời gửi gắm những kì vọng của Nhà trường 2 nước trong việc đào tạo những thế hệ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh quốc tế có đầy đủ kiến thức và kĩ năng để hội nhập toàn cầu.

Phần Workshop với TS. Nguyễn Xuân Giao – Investment Director, Vietnam Oman Investment (Hà Nội) và TS. Nguyễn Thanh Tùng (HCM) vô cùng thiết thực với những case study thực tế và bổ ích trong Quản trị điều hành.

Các hoạt động giao lưu, ăn trưa và team building để kết nối lớp trước khi chính thức bước vào môn học đầu tiên của chương trình…

Mong rằng cũng như khoá 1 &2, các học viên LBM khoá 3 (HN) và khoá 4 (HCM) sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời trong hành trình 18 tháng tại FSB!

Tin FSB

Nghịch lý đáng báo động của kinh tế Việt Nam

Doanh nghiệp tư nhân Việt giỏi chống chịu nhưng lại chậm lớn, khó vay vốn dù nền kinh tế ‘thừa tiền’, là những nghịch lý cho thấy các nguồn lực không thể chuyển hóa thành động lực phát triển kinh tế.

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Năng lực tốt, nhưng vì sao doanh nghiệp tư nhân cứ mãi li ti, mãi không lớn? Ảnh: Quochoivn.
Hai nghịch lý phát triển của Việt Nam
PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mới đây nhận định, thực tế phát triển kinh tế của Việt Nam cho thấy những nghịch lý.
Trước hết, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai, nhưng chậm lớn, khó trưởng thành.
Một trong những bằng chứng rõ ràng cho thấy khả năng “sống còn” của doanh nghiệp Việt là có thể chịu đựng mức lãi suất cao kéo dài hàng chục năm, đồng nghĩa với việc chi phí vốn rất cao.
Cùng với đó, lực lượng này còn phải chịu nhiều chi phí bôi trơn, thời gian dự án kéo dài hơn rất nhiều so với dự án của nước ngoài.
Theo logic cạnh tranh thị trường, với gánh nặng chi phí như vậy, trình độ còn thấp và thực lực yếu, doanh nghiệp Việt khó có thể tồn tại trong môi trường kinh tế “mở”.
Thế nhưng, trên thực tế, các doanh nghiệp Việt vẫn tồn tại một cách bền bỉ và mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn vào thành tựu phát triển của đất nước.
“Tuy nhiên, năng lực này lại được tận dụng quá, dẫn đến doanh nghiệp không đủ sức mạnh để lớn lên. Năng lực tốt, nhưng vì sao cứ mãi li ti, mãi không lớn”, ông Thiên trăn trở tại Diễn đàn Kinh tế – xã hội Việt Nam 2023 mới đây.
Bên cạnh nghịch lý phát triển doanh nghiệp, một nghịch cảnh khác là nền kinh tế ‘thừa tiền’ nhưng doanh nghiệp vẫn ‘khát vốn’.
Đến hết tháng 8/2023, giải ngân đầu tư công – trọng tâm của nỗ lực bơm vốn cho nền kinh tế của Chính phủ – được cải thiện rõ rệt so với các năm trước. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mức độ tiến triển vẫn chậm, khi mới đạt gần 40% kế hoạch.
Trong khi đó, ở kênh tín dụng, mức tăng trưởng chỉ đạt 5,5%, trong khi mục tiêu cả năm là tăng 14%.
“Nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được vốn. Nhiều doanh nghiệp ‘đói vốn’ nhưng lâm vào tình thế ‘không thể, không dám và không cần’ vay vốn, tùy theo hoàn cảnh mỗi doanh nghiệp. Đây thực sự là một nghịch cảnh phát triển”, ông Thiên nhấn mạnh.
Hai nghịch lý trên là bằng chứng cho thấy tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn.
Khơi thông nguồn lực kinh tế bằng cách nào?
Ông Thiên khẳng định, bảo đảm để các nguồn lực lưu thông thông suốt là yếu tố quyết định hiệu quả của nền kinh tế và của doanh nghiệp.
Theo đó, cần xác lập các điều kiện cần thiết, bao gồm hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin – cho”, “hành chính”; ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh).
Cùng với đó, cần bảo đảm “tam thông” trong quá trình vận hành hệ thống, bao gồm thông suốt hạ tầng, thông thoáng cơ chế, thông minh vận hành.
Theo ông Thiên, vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển.
Để giải quyết nhiệm vụ đó, định hướng ưu tiên cần nhắm vào là phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường; xây dựng một bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm.
Ba bài học kinh nghiệm về phát huy nội lực
Theo ông Thiên, thực tiễn đổi mới – phát triển kinh tế thị trường của chính Việt Nam cung cấp nhiều bài học đặc sắc về phát huy nội lực nhờ biết cách khơi thông các mạch nguồn và tạo kết nối.
Thứ nhất là bài học về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần.
Quá trình đổi mới thực sự diễn ra nhờ áp dụng một công thức phát triển đơn giản hiếm thấy, là từ bỏ việc cấm đoán kinh tế tư nhân và các thị trường, chính thức thừa nhận và cho phép vận hành nền kinh tế nhiều thành phần, và các thị trường đầu vào được hoạt động công khai.
Nền kinh tế bao cấp phi thị trường đang khủng hoảng nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ sụp đổ, ngay lập tức hồi sinh và trỗi dậy một cách thần kỳ.
Bài học thành công ở đây là khai thông các thể chế thị trường, khai thông càng triệt để, thành tích phát triển càng lớn. Mấu chốt chính là thể chế, cách kênh khơi thông nguồn lực (các thị trường) và cơ chế phân bổ phù hợp (cạnh tranh thị trường).
“Cần bảo đảm “tam thông” trong quá trình vận hành hệ thống, bao gồm thông suốt hạ tầng, thông thoáng cơ chế, thông minh vận hành” – PGS. TS. TRẦN ĐÌNH THIÊN.
Bài học thứ hai  về bùng nổ phát triển năng lượng tái tạo.
Ông Thiên đánh giá, việc duy trì giá điện thấp theo kiểu bao cấp là nguyên nhân chính gây căng thẳng cung – cầu, thậm chí xung đột trong đời sống. Khuyến khích tiêu dùng điện giá rẻ đồng nghĩa với khuyến khích nền sản xuất công nghệ thấp, trong khi không khuyến khích đầu tư phát triển nguồn điện.
Sự căng thẳng này chỉ được giải quyết khi tiềm năng điện gió – điện mặt trời được phát huy, nhờ Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế giá điện năng lượng tái tạo có tính khuyến khích cao.
Nền kinh tế, về nguyên tắc, thoát khỏi tình trạng khan hiếm điện. Logic giá điện thị trường được áp dụng, trong bối cảnh thế giới chuyển sang thời đại năng lượng mới chứa đựng xu thế đưa Việt Nam thành một quốc gia có vị thế năng lượng toàn cầu.
Bài học thứ ba là thiên lệch trong phát triển các thị trường tài chính – tiền tệ.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, sự phát triển thiên lệch các thị trường tài chính – ngân hàng là nguyên nhân cơ bản gây ra những bất ổn và rủi ro trong nền kinh tế.
Thị trường tín dụng đang phải đóng vai là kênh cung cấp vốn chính, cả vốn ngắn hạn lẫn dài hạn, cho nền kinh tế. Trong khi đó, những thị trường và kênh có chức năng chính là cung cấp vốn dài hạn, như thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu, kênh đầu tư công, chưa được quan tâm phát triển đúng tầm và đúng cách, dẫn tới chỗ phát triển chưa đến tầm và thiếu đồng bộ.
Đây là một trong những căn nguyên chính của tình trạng tắc nghẽn cung – cầu về vốn, dễ tạo sóng đầu cơ và gây nhiều rủi ro hệ thống.
Nguồn: The Leader