Tăng trải nghiệm khách hàng trên môi trường số

Môi trường kinh doanh và nhu cầu của khách hàng thay đổi buộc doanh nghiệp phải chuyển dịch hoạt động để thích ứng và phát triển.

Ông Lê Hồng Quang – Phó Tổng giám đốc thường trực công ty CP MISA
 
Môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp cung cấp giải pháp như MISA đang thay đổi rất nhiều so với trước đây. Đó là việc chuyển từ cạnh tranh bằng sản phẩm (sử dụng mũi nhọn là tính năng sản phẩm) trước đây sang cạnh tranh so sánh sản phẩm dịch vụ (sử dụng mũi nhọn là các dịch vụ đi kèm).
 
Bên cạnh đó, tác động của suy thoái kinh tế, các khách hàng là doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, có khách hàng lớn đang triển khai dự án nhưng đã xin dừng lại.
 
Trước sự thay đổi này, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp phải nghiên cứu đánh giá xu thế để tìm kiếm và chuyển đổi phương thức sản xuất, bán hàng, marketing phù hợp. Trong đó, quan trọng nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực phần mềm và cung cấp giải pháp dịch vụ công nghệ thông tin phải hiểu nhu cầu của khách hàng, những bài toán mà doanh nghiệp đang gặp phải và cần giải quyết.
 
Tại MISA, sự chuyển đổi này diễn ra trên 3 trụ cột. Thứ nhất, doanh nghiệp xác định lấy khách hàng làm trung tâm để thay đổi và cải tiến sản phẩm. Thay vì chú trọng đến tính năng và tác nghiệp rời rạc, riêng lẻ của khách hàng, chúng tôi thiết kế các gói giải pháp đồng bộ, tích hợp các giải pháp, kết nối dữ liệu với các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan để giải quyết tổng thể, trọn vẹn nhu cầu khách hàng đặt ra. Nhờ vậy, nâng cao trải nghiệm và hiệu quả kinh doanh cho khách hàng.
 
Thứ hai, thay đổi trong nhân sự bán hàng. Đội ngũ này được đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu về kiến thức chuyên ngành của từng nhóm đối tượng khách hàng. Đội ngũ bán hàng trở thành chuyên gia tư vấn, hiểu được yêu cầu của khách hàng và giúp khách hàng giải được bài toán đặt ra.
 
Với sự thay đổi này, chúng tôi lấy giá trị mang lại cho khách hàng làm trung tâm. Khi khách hàng thu được giá trị thì sẽ mang lại doanh thu, giữ được năng suất tăng trưởng cho doanh nghiệp.
 
Thứ ba, khi hành vi mua sắm của khách hàng ngày càng phổ biến qua smartphone và thiết bị công nghệ, các doanh nghiệpcung cấp giải pháp như MISA phải chú trọng hơn tới trải nghiệm của khách hàng trên môi trường số.
 
Từ phân tích trên, ông Quang cho hay, doanh nghiệp xác định tập trung, chú trọng vào các khách hàng đang hiện hữu, giúp họ ứng dụng hiệu quả, hoạt động tốt, nâng cao sức cạnh tranh, từ đó có thể phát triển cung cấp các dịch vụ khác để mang lại nguồn thu. Điều này sẽ dễ dàng hơn so với việc đầu tư phát triển các sản phẩm dịch vụ mới.

Nguồn: DĐDN

Những ứng dụng di động nào phổ biến nhất tại Việt Nam?

Điện thoại thông minh là một thiết bị không thể thiếu đối với người dân Việt Nam ở mọi lứa tuổi. Nó không chỉ là một thiết bị được sử dụng để tìm kiếm thông tin, mua sắm hay giải trí, mà còn hoạt động như một công cụ phục vụ mục đích giáo dục, đặt đơn, thước đo sức khỏe và ví tiền.

Q&Me, công ty chuyên về lĩnh vực nghiên cứu thị trường, đã sử dụng tính năng “Screen Time” (thời gian sử dụng màn hình) trên hệ điều hành iOS – tính năng giúp quản lý việc sử dụng các ứng dụng di động – để tìm hiểu những ứng dụng di động được sử dụng phổ biến tại Việt Nam.

Kết quả của cuộc khảo sát nghiên cứu cho thấy rằng người Việt Nam dành 6,2 giờ mỗi ngày cho việc sử dụng điện thoại thông minh. Thời lượng này giảm so với năm trước – khi người dùng phải ở nhà nhiều hơn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trung bình trong một tuần, họ sử dụng 20,5 ứng dụng.
 
Mặc dù họ sở hữu nhiều ứng dụng trên chiếc điện thoại thông minh của mình, họ dành 2/3 thời gian chủ yếu cho 5 ứng dụng di động là Facebook, Zalo, TikTok, Messenger và YouTube. Mặc dù thông tin về việc giảm độ phủ của Facebook trên thế giới đã xuất hiện một thời gian, Việt Nam lại có sự khác biệt.

Những ứng dụng trên cũng nằm trong Top 10 ứng dụng di động được sử dụng trong một tuần. Thêm một điều thú vị nữa là hơn 50% người tham gia khảo sát đã sử dụng Shopee trong một tuần cũng như hơn 1/3 trong số họ đã mở ứng dụng MoMo.

Báo cáo cũng đề cập đến 3 xu hướng chính của người dùng Việt Nam trong năm 2023.
 
Đầu tiên là sự phổ biến của TikTok. Ở hạng mục Video, mặc dù số lượng người dùng YouTube nhiều hơn TikTok nhưng thời gian người Việt Nam dành cho TikTok lại nhiều hơn gấp đôi so với YouTube. Điều này cho thấy mức độ gây nghiện của TikTok cũng như độ thu hút của ứng dụng này đối với người dùng Việt Nam là mạnh mẽ như thế nào. Đặc biệt, TikTok phổ biến đối với người dùng trong độ tuổi mười mấy cho đến hai mấy tuổi.

Xu hướng thứ hai là ứng dụng PC-Covid đã biến mất. Đã được một khoảng thời gian kể từ khi các sinh hoạt của con người bị hạn chế bởi COVID-19. Hiện tại, các ứng dụng di động liên quan đến COVID-19 gần như đã biến mất khỏi điện thoại thông minh của người dùng.

Xu hướng cuối cùng là sự phổ biến của các ứng dụng đặt xe/ giao hàng. Số lượng người sử dụng các ứng dụng này đã tăng so với những năm trước. Hiện nay, 42% người dùng điện thoại thông minh đã sử dụng một hay một vài ứng dụng thuộc danh mục này trong 7 ngày qua. Grab chính là ứng dụng phổ biến nhất trong danh mục, tiếp theo là GoJek, Shopee Food, Be và BAEMIN.
 
Không chỉ ứng dụng đặt xe, báo cáo còn ghi nhận một xu hướng nữa là 75% người dùng điện thoại thông minh sử dụng ứng dụng thanh toán di động hoặc ứng dụng ngân hàng trực tuyến. Vài năm trước, Việt Nam được biết đến là một quốc gia sử dụng tiền mặt là chủ yếu, nhưng trong vài năm gần đây cách người Việt Nam quản lý tài chính đã thay đổi đáng kể.

Nguồn: Brandsvietnam

Làm marketing với tinh thần doanh chủ

Người làm marketing giỏi là người đặt mình vào vị trí và tâm thế của người làm chủ doanh nghiệp, nghĩ như người khởi nghiệp đồng thời đội các “mũ” của những phòng ban khác để có thể quản trị sự thay đổi và nắm được câu chuyện của toàn chuỗi giá trị.

GS. Hermawan Kartajaya, chuyên gia marketing đồng tác giả 10 cuốn sách cùng Philip Kotler

Một thập kỷ đầu lập nghiệp khi mà Sunhouse còn chưa có tên tuổi trên thị trường, ông Nguyễn Xuân Phú (Shark Phú) trên cương vị của người làm chủ đã đưa ra những quyết định liên quan đến chiến lược marketing (tiếp thị) mà có lẽ nếu chỉ đứng ở góc độ marketing thì sẽ ít ai làm như vậy.
 
Một trong số đó là bán toàn bộ sản phẩm với chi phí rẻ để có thể đưa hàng qua các kênh khác nhau, tăng độ nhận diện cho thương hiệu. Nếu chỉ nhìn từ góc độ marketing, rõ ràng điều này tốn rất nhiều chi phí. Nhưng từ góc độ của chủ doanh nghiệp là người có một góc nhìn toàn cảnh, thấu hiểu toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp và chuỗi giá trị, đó là một quyết định mang lại nhiều lợi ích, không chỉ về mặt thương hiệu mà còn thúc đẩy hiệu suất của người lao động, giảm chi phí quản lý…
 
“Trong 10 năm đầu lập nghiệp, người làm marketing giỏi nhất ở Sunhouse chính là anh Phú”, ông Lê Tùng, Giám đốc marketing Tập đoàn Sunhouse khẳng định.
 
Các lãnh đạo cấp cao giờ đây, bao gồm giám đốc marketing (CMO) đang hướng cho mình trở thành một cố vấn, một cánh tay phải đắc lực của tổng giám đốc. Nhưng để làm được điều đó, những thứ họ làm và tư duy của chính bản thân họ sẽ phải vượt lên vai trò và chức danh vốn có. Như Giáo sư Hermawan Kartajaya, một trong những chuyên gia marketing có tầm ảnh hưởng nhất hiện nay đã chia sẻ, hãy làm marketing với tinh thần của người làm chủ doanh nghiệp.
 
“Marketing không đơn thuần là bán hàng, marketing phải có chiến lược, phải tạo ra doanh thu bền vững, thắng trong dài hơi. Marketing là phải tạo sự khác biệt”, vị giáo sư nói trong chương trình Marketing với tinh thần doanh chủ do CSMO tổ chức.
 
Gia nhập Sunhouse cách đây 8 năm, hiện ông Tùng là Giám đốc Chiến lược của Sunhouse Invest kiêm Giám đốc Marketing (CMO) của Sunhouse mảng gia dụng. Ông là người quản trị tất cả chỉ số liên quan đến từng ngành hàng và thành viên tập đoàn.
 
“Vai trò và chức danh thì chỉ làm truyền thông quảng cáo, vậy làm sao để tác động được đến PNL (lãi lỗ trong kinh doanh), sản phẩm…Làm thế nào để chủ doanh nghiệp dám giao chuỗi giá trị cho người mới”, ông Tùng đặt vấn đề.
 
Để marketing có thể tác động được đến hàng nghìn sản phẩm, chuỗi cung ứng… là cả một quá trình 8 năm ông làm và hiểu rõ chuỗi giá trị cũng như tác động của marketing vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Như GS. Hermawan Kartajaya đã nhấn mạnh, người làm marketing cần thấu hiểu chính mình, doanh nghiệp của mình và khách hàng để có thể chứng minh sự khác biệt của thương hiệu trên thị trường. Thứ doanh nghiệp bán là sự khác biệt!
 
Điều quan trọng là người làm marketing dám làm những thứ mà người khác hoặc chính bản thân họ nghĩ về marketing. Chẳng hạn, làm marketing bằng hàng tồn kho, bằng logistics, bằng tài chính… được ông Tùng cho là những thứ hấp dẫn. Làm marketing cần nghĩ như người khởi nghiệp. Marketing phải tác động đến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hàng ngày, cân bằng yếu tố tư duy dài hạn và ngắn hạn.
 
 
Ông Lê Tùng, Giám đốc marketing Tập đoàn Sunhouse
 
Trong số 4 chữ C mà GS. Hermawan Kartajaya đã chia sẻ, vị giám đốc marketing của Sunhouse đặc biệt coi trọng chữ Change (quản trị sự thay đổi), bên cạnh các yếu tố như khách hàng (customer), công ty (company) và đối thủ (competitor).
 
Trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng, cần ứng dụng các hình thái marketing hiện nay, kết hợp con người và công nghệ để giảm thiểu tác động tiêu cực và quản lý sự thay đổi một cách nhanh nhất, nắm bắt được bức tranh tổng thể và đưa ra các quyết định sáng suốt như một người làm chủ.
 
“Thị trường không được quyết định bởi công nghệ hay chính trị. Thị trường quyết định bởi văn hóa, xã hội. Do đó, chúng ta buộc phải thay đổi thói quen. Thay đổi thói quen mới là người thắng cuộc”, vị giáo sư đồng tác giả 10 cuốn sách cùng Philip Kotler nói.
 
Khi khởi nghiệp trong lòng Tập đoàn FPT một thập kỷ trước, đội ngũ FPT Play phải đố mặt với một sự cân não để đưa ra quyết định lựa chọn truyền thống hay chạy thẳng vào công nghệ mới. Bà Tô Nam Phương, Phó tổng giám đốc FPT Play cho biết, thị trường lúc đó chưa biết đến các ứng dụng mới, họ có thể giơ mắc áo bằng nhôm lên cao để bắt được nhiều kênh mà không sẵn sàng trả tiền dù chỉ bằng một bát phở để xem những thứ có bản quyền.
 

 
Bà Tô Nam Phương, Phó tổng giám đốc FPT Play
 
Bộ gen của người FPT sẵn có – chấp nhận sự đổi mới và sẵn sàng đổi mới- đã thúc đẩy họ làm những thứ khác biệt, song song với tận dụng những thế mạnh sẵn có về quản trị sản phẩm và quản trị người dùng. Họ áp dụng công nghệ để mang lại trải nghiệm cho khách hàng và rồi đẩy thành thông điệp của thương hiệu.
 
“Bất cứ giai đoạn nào và bất cứ thành viên nào trong doanh nghiệp cũng đều được khuyến khích và chấp nhận sự sáng tạo và thay đổi. Tương lai marketing được quyết định bởi những người trẻ sáng tạo và dám làm”, bà Phương chia sẻ.
 
Nói về việc làm marketing với tinh thần doanh chủ, GS. Hermawan Kartajaya cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần hợp tác: “Đừng bao giờ tạo ra kẻ thù cho dù ta có ghét họ bao nhiêu đi nữa”, hay “đừng bao giờ ăn trưa một mình vì có thể sẽ mất đi nhiều cơ hội”.

Nguồn: The Leader

Dự báo 7 xu hướng mạng xã hội định hình doanh nghiệp trong năm 2023

Trong thế giới được kết nối, việc nắm bắt các xu hướng xã hội sẽ mang tới nhiều lợi thế cho doanh nghiệp.

Ông Khôi Lê – Giám đốc quốc gia thị trường Việt Nam của Meta trình bày về báo cáo
 
Mạng xã hội và nhà sáng tạo nội dung – người có tầm ảnh hưởng hay chính người thân, bạn bè đóng góp một phần không nhỏ tới quá trình người tiêu dùng khám phá mua hàng, đánh giá chất lượng sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.
 
Ông Khôi Lê – Giám đốc quốc gia thị trường Việt Nam của Meta đã chia sẻ những xu hướng mạng xã hội hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ trên các nền tảng của Meta mà doanh nghiệp không thể bỏ qua trong năm 2023.
 
So với 3 năm về trước, việc vận hành một doanh nghiệp ngày nay đã có nhiều khác biệt rõ rệt khi số hóa bao phủ và các đối thủ cạnh tranh có thể đến từ mọi nơi trên thế giới. Theo báo cáo mới nhất của eMarketer, khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) sẽ chiếm gần 60% người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới vào năm 2023. Mặc dù tăng trưởng chỉ với 2,7%, lượng người dùng mạng xã hội của khu vực trong năm nay (dự tính hơn 59 triệu) sẽ cao hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại. Vì vậy, tiềm năng để xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp trên các nền tảng mạng xã hội và kết nối với khách hàng ở bất cứ đâu là rất lớn.
 
Dưới đây là các xu hướng mạng xã hội được dự đoán là nổi bật nhất, giúp các doanh nghiệp Việt nắm bắt sớm và tối đa hiệu quả kinh doanh.
 
1. Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI)
 
Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã có một bước ngoặt lớn kể từ cuối năm 2022. Nhờ vào công nghệ ngày càng đi lên, AI đang trở nên phổ biến hơn và khả năng ngày càng được nâng cao, do vậy ngày càng có nhiều sản phẩm và dịch vụ kết hợp AI như thiết bị nhà thông minh, ô tô tự lái và trợ lý ảo.
 
Việc sử dụng AI để phân tích, sắp xếp, truy cập và cung cấp các dịch vụ tư vấn dựa trên một loạt thông tin phi cấu trúc sẽ ngày càng phát triển. Chi tiêu cho các hệ thống AI ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương của IDC (Tập đoàn Dữ liệu quốc tế) sẽ tăng từ 17,6 tỷ USD vào năm 2022 lên khoảng 32 tỷ USD vào năm 2025. Các doanh nghiệp cũng đang ứng dụng tự động hóa để cải thiện trải nghiệm của khách hàng và tiết kiệm thời gian; sử dụng các trợ lý thực tế ảo tăng cường để hỗ trợ dịch vụ khách hàng cũng như các công cụ tự động hoá thông minh để giải quyết các công việc kinh doanh phức tạp, lặp đi lặp lại nhằm thúc đẩy quyết định mua hàng nhanh chóng hơn.
 
2. Kinh doanh hội thoại (Business Messaging)
 
Chúng ta đang sống trong một thế giới nơi nhắn tin được ưu tiên hàng đầu. Mỗi tuần, một tỷ người trên toàn cầu nhắn tin với một doanh nghiệp trên WhatsApp, Messenger và Instagram Direct – Nhắn tin trực tiếp với các thương hiệu, xem danh mục sản phẩm, yêu cầu hỗ trợ hoặc tương tác với các câu chuyện (Stories) được đăng tải.
 
Tại Việt Nam, nghiên cứu cho thấy kinh doanh bằng hội thoại đang bùng nổ mạnh mẽ sau đại dịch với 73% Người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát cho biết họ sử dụng hội thoại để tiếp cận doanh nghiệp và hội thoại là một phần quan trọng trong hành trình mua sắm; 40% người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát cho biết họ tăng tần suất sử dụng hội thoại sau khi dịch Covid 19; Tần suất sử dụng hội thoại diễn ra thường xuyên (2 lần một tuần) được ghi nhận ở tất cả các độ tuổi (baby boomer, GenX, Millenials và gen Z).
 
3. Mua sắm xuyên biên giới
 
Thế giới ngày càng trở lên nhỏ bé hơn khi công nghệ giúp bạn mua sắm dễ dàng hơn từ mọi nơi. Nhờ đó, mức tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới hiện đang vượt xa tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong nước 5 điểm.
 
Đến năm 2026, ước tính thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu sẽ trị giá 2,2 nghìn tỷ USD – tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 17% kể từ năm 2019. Meta đã phối hợp với YouGov để khảo sát hơn 16.000 người mua sắm tại 8 quốc gia. Hơn một nửa số người được khảo sát cho biết họ đã mua một sản phẩm được bán bởi một doanh nghiệp ở nước ngoài và 82% cho biết họ cởi mở với phương thức này, cho thấy tiềm năng và cơ hội kinh doanh xuyên biên giới trong tương lai.
 
Phương tiện truyền thông xã hội đóng một vai trò quan trọng không kém trong quá trình khám phá, với 58% người mua sắm xuyên biên giới được khảo sát nói rằng họ tìm thấy sản phẩm từ các doanh nghiệp nước ngoài theo cách này.
 
4. Thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường (VR & AR)
 
Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng AR/VR để tăng cường trải nghiệm khách hàng và xây dựng các cách thức sáng tạo, sống động giúp khách hàng trải nghiệm thương hiệu.

Ông Khôi Lê – Giám đốc quốc gia thị trường Việt Nam của Meta
 
Theo IDC, chi tiêu vào AR/VR tại khu vực APAC sẽ tăng với mức độ tăng trưởng kép ở mức 42,2% (2021-26) và chạm tới mức 16,6 tỷ USD trước năm 2026. Quảng cáo thực tế ảo tăng cường là yếu tố giúp doanh nghiệp củng cố kết nối với khách hàng và cải thiện trải nghiệm quảng cáo chung cho người dùng trên các nền tảng của Meta.
 
Nghiên cứu mới nhất của Meta về thái độ và hành vi tiêu dùng dịp cuối năm được thực hiện tại 12 thị trường APAC cho thấy, 79% người mua sắm trên mạng xã hội tại Việt Nam được khảo sát đã sử dụng AR hoặc sẵn sàng sử dụng AR khi mua sắm trực tuyến cuối năm. 80% người mua sắm trên mạng xã hội được khảo sát tin rằng các công cụ thực tế tăng cường có ảnh hưởng đến quyết định mua hàng trong dịp Siêu Sales.
 
5. Các nhà sáng tạo
 
Một khảo sát cho thấy 51% người mua sắm xuyên biên giới cho rằng nhà sáng tạo nội dung là nguồn thông tin hàng đầu để khám phá và đánh giá sản phẩm. Điều này tạo cơ hội cho các thương hiệu hợp tác với những người sáng tạo để cùng xây dựng một câu chuyện thương hiệu. Vào cuối năm vừa qua, Việt Nam là thị trường đầu tiên trong khu vực APAC được Meta lựa chọn để đã khởi động chương trình ‘Creators of Tomorrow" (tạm dịch: Nhà sáng tạo tương lai) – chiến dịch toàn cầu hướng tới tôn vinh các nhà sáng tạo trên khắp thế giới và tại Việt Nam- những người truyền cảm hứng về phong trào sáng tạo nội dung trên các nền tảng của Meta. Đối với các thương hiệu, đây là thời điểm vàng để khám phá hoạt động cộng tác, đồng sáng tạo với các nhà sáng tạo nội dung và thậm chí là cộng tác với các thương hiệu khác để cùng phát triển.
 
6. Mua sắm trực tuyến
 
Tuy các cửa hàng vật lý đang đón khách trở lại, thói quen mua hàng trực tuyến được hình thành trong giai đoạn đại dịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ và dần thay thế cho trải nghiệm mua hàng trực tiếp.
 
Đối với thế hệ Gen X và Baby Boomers, điện thoại di động tiếp tục được sử dụng như một kênh khám phá. Kết quả từ nghiên cứu thường niên SYNC Đông Nam Á của Meta và Bain & Company về kinh tế số và tương lai của thương mại điện tử tại khu vực cho thấy tại Việt Nam, gần 8/10 dân số tiêu biểu hiện là người tiêu dùng kỹ thuật số. Trong giai đoạn Khám phá, 84% người mua sắm Việt Nam xem trực tuyến là kênh truy cập của họ để duyệt và tìm các mặt hàng.
 
7. Video ngắn
 
Video tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trên internet và trên các nền tảng của Meta, trong đó có Reels đang phát triển mạnh mẽ về cả sản xuất và tiêu thụ nội dung. Hiện nay, có hơn 140 tỷ Reels được phát trên Facebook và Instagram mỗi ngày. Đặc biệt là tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, video đang trở thành cách thức chính mà mọi người sử dụng sản phẩm của Meta và thể hiện bản thân.
 
Nhận định về xu hướng trên, ông Khôi Lê đưa ra lời khuyên dành cho các doanh nghiệp: "Đầu tiên, doanh nghiệp cần xác định rõ các mục tiêu: xây dựng thương hiệu hay thúc đẩy trải nghiệm mua sắm. Trong xu hướng này, việc đa dạng hoá định dạng và thời lượng của video khi kể câu chuyện thương hiệu sẽ vừa giúp xây dựng thương hiệu, vừa giúp người dùng khám phá hiệu quả hơn. Ngày nay, doanh nghiệp có nhiều lợi thế như có nhiều cách để kết nối với khách hàng và xây dựng thương hiệu thông qua nhiều trải nghiệm xã hội, trực tuyến, nhập vai và trò chuyện – đó là một không gian thú vị để khám phá. Cuối cùng, lời khuyên quan trọng nhất của tôi tới các doanh nghiệp là đừng ngần ngại bắt đầu, như cách nói của Meta, Hãy bắt đầu ở mọi nơi – chắc chắn những cách thức kinh doanh và kết nối mới này với người tiêu dùng sẽ ngày càng phát triển".

Nguồn: VTV