FSB Tổ chức thành công cuộc thi tiếng hát “FSB THE VOICE 2020” mùa đầu tiên!

Điểm lại sự kiện nổi bật nhất tuần qua tại FSB chính là đêm Chung kết cuộc thi “FSB THE VOICE 2020”! 

Chương trình diễn ra vô cùng hoành tráng, chuyên nghiệp tối 15/10/2020 tại địa điểm một trong những lounge đẹp nhất Hà Nội – TRIXIE, 165 Thái Hà.
 
Trải qua các vòng sơ loại và bình chọn, 8 giọng ca xuất sắc nhất – là các học viên đến từ chương trình đào tạo thạc sĩ MBA – MSE của FSB đã cùng nhau tranh tài trước Hội đồng giám khảo gồm: Nhạc sĩ Trương Quý Hải, Ca sĩ Khánh Linh, BTV VTV Nguyễn Thu Hương cùng những khán giả vô cùng cuồng nhiệt phía dưới sân khấu. 
 
 
Hội đồng giám khảo chuyên môn của “FSB THE VOICE”
 
Chương trình được phát sóng livestream trực tiếp trên các kênh truyền thông của Viện Quản trị & Công nghệ FSB, ĐH FPT.
 
Các tiết mục dự thi tại vòng chung kết mang những màu sắc biểu diễn phong phú, thể loại nhạc tuy khác nhau nhưng đều mang lại những cảm xúc và sự bất ngờ cho Ban giám khảo cùng toàn bộ khán giả có mặt trong khán phòng.
 

 
Các tiết mục dự thi vô cùng phong phú và đội ngũ khán giả cực “sung” tại “FSB THE VOICE 2020”
 
Kết quả chung cuộc đã gọi tên những thí sinh:
+ Quán quân: Tăng Đình Đại – Học viên lớp FeMBA#19 
+ Á quân: Đặng Trần Nam – Học viên lớp GeMBA#01 
+ Quý quân: Nguyễn Thái Hà – Học viên lớp FeMBA#19 
+ Thí sinh được yêu thích nhất: Trần Bảo Châu – Học viên lớp FeMBA#39 
 
 
Cuộc thi không chỉ là nơi để các học viên của FSB thể hiện tài năng mà còn là cơ hội để tập thể các lớp học trở nên thân thiết, đoàn kết và gắn bó hơn.
 
Chương trình được tổ chức bởi: Viện Quản trị & Công nghệ FSB, ĐH FPT và được tài trợ bởi: Công ty cổ phần giải pháp và dịch vụ phần mềm Nam Việt (Navisoft), Công ty cung cấp giải pháp hàng đầu về giao dịch, thông tin và quản lý cho ngành chứng khoán Việt Nam, Công ty TNHH Rượu ngon, Công ty TNHH DH Hoàng Minh Travel, Công ty Miss Dental, Công ty xăng dầu hàng không Skypec.
 
FSB THE VOICE Mùa đầu tiên đã kết thúc tốt đẹp. Hẹn gặp lại tại những mùa tiếp theo và hãy cùng chờ đón những hoạt động đồng hành của những giọng ca vàng bước ra từ cuộc thi sẽ đồng hành cùng FSB trong những hoạt động nào phía trước nhé! 
 
 
Viện Quản trị & Công nghệ FSB – Đại học FPT www.fsb.edu.vn  có hơn 20 năm kinh nghiệm đào tạo về Quản trị Tổ chức và Doanh nghiệp, với hàng ngàn học viên các chương trình MBA, MSE, MiniMBA, CEO… cùng các khóa Đào tạo Doanh nghiệp khác hiện họ đang là những nhà quản trị nắm giữ những trọng trách cao trong các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như các công ty, tổ chức đa quốc gia trên Thế giới.
 
Về uy tín chất lượng chuyên môn nghiên cứu và đào tạo, trong nhiều năm liên tiếp từ 2011, Viện luôn giữ vị trí Top 3 trường đào tạo kinh doanh tốt nhất Việt Nam theo bình chọn của tổ chức Eduniversal https://www.eduniversal-ranking.com/. Năm 2019, chương trình MBA của FSB vinh dự có thứ hạng 24 (nâng 3 bậc từ thứ hạng từ 27) trong Top 30 chương trình MBA tốt nhất Đông Á. Đại học FPT cũng được tổ chức QS Stars (một trong 3 tổ chức đánh giá các trường Đại học uy tín nhất trên Thế giới) đạt chuẩn chung 3 sao, trong đó tiêu chí chất lượng giảng dạy (Teaching) đạt chuẩn 5 sao. Đặc biệt tháng 11/2019 trường đã được ACBSP (Global Business Accreditation https://www.acbsp.org/) kiểm định chất lượng (Accredited) – đây là một trong 2 tổ chức điểm định quốc tế cao nhất với khối ngành quản trị kinh doanh hiện nay.

Bí quyết cân bằng công việc – gia đình của các “nữ tướng” Việt: CEO Vinamilk quyết không thuê giúp việc, chủ tịch FPT Retail bảo lấy chồng cùng công ty

Dù bận trăm công nghìn việc, chịu áp lực lớn nhưng những nữ doanh nhân Việt vẫn có cách riêng để hài hòa, cân bằng giữa công việc và gia đình.
 
 
Theo nghiên cứu về “Phụ nữ trong kinh doanh” do Grant Thornton thực hiện vào năm 2019, Việt Nam có tỷ lệ nữ giới tham gia trong ban lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp là 36%, đứng thứ hai châu Á.
 
Vai trò và vị thế của người phụ nữ Việt trong xã hội nói chung và trong kinh doanh nói riêng ngày càng được khẳng định. Đáng nói, không chỉ kinh doanh, lãnh đạo giỏi mà họ còn cân bằng được cả hai yếu tố công việc và gia đình. Đâu là bí quyết của các “nữ tướng”?
 
Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch FPT Retail
 
Bà Nguyễn Bạch Điệp là tên tuổi không còn xa lạ trong giới công nghệ, được biết đến với vai trò Chủ tịch HĐQT FPT Retail. Bà Điệp có công lớn trong việc phát triển, mở rộng FPT Retail từ 17 cửa hàng trở thành chuỗi điện thoại lớn thứ hai Việt Nam với hơn 500 địa điểm, hiện đã mở rộng sang cả dược phẩm và mỹ phẩm.
 
“Nữ tướng” của FPT Retail cũng nhiều lần lọt vào danh sách những nữ doanh nhân quyền lực, có ảnh hưởng tại Việt Nam và châu Á. Dù thường được giới kinh doanh gọi với cái tên “người đàn bà thép” nhưng đây cũng là người rất nữ tính, vui vẻ và có bí quyết cân bằng cuộc sống đáng học hỏi.
 
 
Chia sẻ tại một sự kiện của Forbes Việt Nam, bà cho rằng tùy thuộc vào quan điểm và thời điểm, việc nào làm cho bản thân thấy hạnh phúc và quan tâm hơn thì có thể hơi ưu tiên hơn một chút.
 
Ngoài ra, chủ tịch FPT Retail chia sẻ 3 bí quyết: “Thứ nhất, nếu được thì chọn chồng cùng công ty. Bởi khi chồng cùng công ty thì sẽ hiểu ngay công việc của mình khổ như thế nào, họ biết và thông cảm. Đó là bí quyết nho nhỏ, nếu được thì nên như thế.
 
Thứ hai, đã làm sếp ở công ty thì về nhà không làm sếp nữa. Về nhà mình để cho chồng quyết hết, không phản đối.
 
Thứ ba, do không có nhiều thời gian cho gia đình và con cái nên mình cố gắng biến sở thích của mình theo sở thích của con, để bất cứ lúc nào có thời gian rảnh là có thể đi theo và cũng thích thú với nó.”
 
Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air
 
Nhà sáng lập kiêm CEO hãng hàng không Vietjet Air là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam, được Business Insider đánh giá là có khả năng “làm những điều khác biệt”.
 
Lấn sân vào ngành kinh doanh vốn được chiếm lĩnh bởi nam giới, bà Thảo đã góp phần thay đổi thị trường hàng không nội địa. Ngoài Vietjet Air, nữ doanh nhân còn đứng sau và điều hành nhiều doanh nghiệp khác như Ngân hàng HDBank, công ty Sovico Holdings, công ty Chứng khoán Phú Gia hay Địa ốc Phú Long.
 
 
Bận rộn trăm công nghìn việc, nữ tỷ phú đi làm cả thứ bảy và cho con nhỏ đi theo. Đây là cách để bà vừa gần con, vừa tạo cho con thói quen làm việc. Ngoài ra, CEO Vietjet vẫn dành thời gian cho gia đình, xem phim với con lớn, tắm rồi bế ẵm con bé, làm nó với tất cả tinh thần của doanh nhân và người phụ nữ.
 
“Mình mang chất phụ nữ vào trong kinh doanh và ngược lại, mình mang công việc, những chuẩn mực doanh nghiệp, thực tiễn về điều hành nhân sự,… cái gì tốt nhất thì mình lại mang nó về nhà. Cân bằng đơn giản là như vậy.”
 
Ngoài ra, để vừa lãnh đạo giỏi, vừa chăm lo cho gia đình, bà Thảo cho rằng phụ nữ phải cố gắng hơn nam giới nhiều lần.
 
"Phụ nữ có lẽ có quỹ thời gian nhiều hơn vì nam giới phải ngoại giao nhiều hơn còn mình dành thời gian đó cho gia đình, cho công ty. Nhưng cũng vì trách nhiệm phụ nữ mà có lẽ chúng tôi phải cố gắng gấp đôi, gấp 3 nam giới. Lợi thế lớn nhất vẫn là giá trị và sự hi sinh cống hiến của bản thân."
 
Mai Kiều Liên – CEO Vinamilk
 
Bà Mai Kiều Liên sinh ra và lớn lên tại Pháp. Bà học ngành chế biến sữa ở Moscow (Liên Xô cũ) và trở về Việt Nam vào năm 1976. Sau đó, nữ doanh nhân gia nhập Công ty sữa và cà phê miền Nam, tiền thân của Vinamilk. Từ vị trí kỹ sư, bà Liên lên chức Trưởng ca, rồi Phó Giám đốc Kỹ thuật, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh tế và đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Vinamilk từ năm 1992 đến nay.
 
Bà Mai Kiều Liên có đóng góp lớn trong việc thay đổi bộ mặt ngành sữa Việt Nam, đồng thời đưa Vinamilk trở thành thương hiệu số 1 trong nước về thị phần. Bà cũng được vinh danh là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.
 

 
Lãnh đạo một doanh nghiệp có giá trị vốn hóa hơn 200.000 tỷ đồng nhưng bà Liên không có người giúp việc ở nhà. Bí quyết cân bằng công việc – gia đình được nữ doanh nhân chia sẻ trong một hội thảo của Forbes.
 
“Một ngày 8 tiếng làm việc ở công ty, 8 tiếng ở nhà và 8 tiếng để ngủ. Tôi nghĩ do gia đình, giữa vợ chồng phải thống nhất với nhau để cùng con cái làm việc nhà.
 
Mọi người cũng hỏi tôi vì sao không có người giúp việc. Thực sự nếu ai có điều kiện và đông con, hoặc quá bận thì có người giúp việc là tốt. Nhưng riêng hoàn cảnh gia đình mình, tôi không muốn có người giúp việc vì muốn con tôi không ỷ lại, không có khái niệm sai khiến người khác và không làm phiền người khác.
 
Với mong muốn đó, vợ chồng và con cái cùng nhau tìm cách để khắc phục.”

(Nguồn: Trí Thức Trẻ)

UBND TP Hà Nội hỗ trợ 50 phần trăm học phí học quản trị điều hành cao cấp dành cho CEO

Tham gia Chương trình đào tạo “CEO – Quản trị điều hành cao cấp kỷ nguyên 4.0” các học viên có thể nhận được hỗ trợ lên đến hơn 40 triệu đồng/ người từ ngân sách nhà nước.
 
Chương trình do Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội và Viện Quản trị & Công nghệ FSB – Trường Đại học FPT phối hợp triển khai. Tham gia khóa đào tạo, mỗi học viên sẽ được UBND thành phố Hà Nội tặng một suất học bổng trị giá 65% kinh phí toàn khóa. Chương trình nằm trong dự án hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội nâng cao năng lực tìm giải pháp và cơ hội phát triển năng lực cạnh tranh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
 
"CEO – Quản trị điều hành cao cấp kỷ nguyên 4.0" được xây dựng trên cơ sở chắt lọc những nội dung tinh túy nhất về quản trị kinh doanh, giúp học viên củng cố các kiến thức quản trị cốt lõi, hệ thống hóa các kỹ năng quản lý thiết yếu và nâng cao năng lực lãnh đạo để phù hợp với bối cảnh hiện nay. Chương trình bao gồm 2 giai đoạn, 12 chuyên đề, 5 chuyến trải nghiệm thực tiễn tại các doanh nghiệp top 500 VNR trong nước và top 1000 Forbes Quốc tế. Giai đoạn 1, học viên học tại Việt Nam 10 chuyên đề và trải nghiệm 3 chuyến tham quan học hỏi tại các Doanh nghiệp Việt Nam. Giai đoạn 2, học viên sẽ học tập tại Học viện Quản lý & Tư vấn Novel Singapore và tham quan các doanh nghiệp nổi tiếng tại Singapore.
 
Tham gia khóa đào tạo, học viên được học với những giảng viên là những doanh nhân nổi tiếng giàu trải nghiệm trên thương trường như PGS TS Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Ths Đoàn Hữu Cảnh, Chuyên gia Tài chính doanh nghiệp; TS Nguyễn Thành Trung, TGĐ Công ty Kiểm toán Nexia; TS Đỗ Tiến Long, Chuyên gia tư vấn Phát triển Tổ chức…. Các giảng viên không chỉ mang đến những kiến thức quản trị bài bản mà còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm quản trị thực tế, giúp các học viên có thể áp dụng ngay vào công tác quản trị doanh nghiệp của mình. Đặc biệt, việc giao lưu với những "người thầy lớn" giúp học viên học hỏi được cách tư duy của lãnh đạo lớn, được ngấm những tư tưởng lớn và khát vọng vươn lên không ngừng nghỉ, từ đó sẽ có tầm nhìn rộng hơn cho doanh nghiệp mình.
 

 
Được biết đến là Trường đào tạo kinh doanh hàng đầu Việt Nam đạt chuẩn 5 sao về chất lượng giảng dạy, Viện Quản trị & Công nghệ FSB áp dụng phương pháp đào tạo Constructivism của người Do Thái, giúp học viên luôn hào hứng trong từng giờ học, tranh biện sôi nổi và kiến tạo nên tri thức riêng cho bản thân. Thông qua việc thảo luận về các tình huống, học viên không chỉ học được tri thức, kinh nghiệm từ giảng viên mà còn có cơ hội học hỏi lẫn nhau đề tìm ra những lời giải phù hợp nhất cho các bài toán quản trị.
 
Với việc tham gia khóa đào tạo "CEO – Quản trị điều hành cao cấp kỷ nguyên 4.0", ngoài việc được tặng học bổng, học viên còn được trang bị hệ thống kiến thức quản trị doanh nghiệp tổng thể, cập nhật; Được học hỏi từ bài học kinh nghiêm của các nhà Lãnh đạo nổi tiếng, các CEO thành công trên thương trường; Được tham quan học hỏi thực tiễn doanh nghiệp; Được học tập với chuyên gia nước ngoài, trong môi trường các nước phát triển và đặc biệt là được tham gia Cộng đồng nhà quản trị của FSB, nơi kết nối tất cả học viên thành một mạng lưới doanh nhân cùng học hỏi và hợp tác phát triển.
 
Tại lễ trao chứng chỉ tốt nghiệp dành cho các học viên khóa "CEO – Quản trị điều hành cao cấp kỷ nguyên 4.0" năm 2017, anh Hoàng Cường – Giám đốc Công ty dịch vụ đào tạo FamiCook và là học viên lớp CEO 10 cho biết, điều anh ấn tượng nhất khi học tại FSB là cách tổ chức chuyên nghiệp: "Tham gia khóa học, tôi luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các thầy và các bạn. Các thầy sẵn sàng giải quyết vấn đề trực tiếp cho công ty tôi. Tôi áp dụng gần như tất cả những gì học được, tái cấu trúc lại công ty. Đặc biệt hơn, tôi còn nhận được rất nhiều tình cảm cũng như sự chia sẻ từ các CEO khác. Sau khi đi học tại Singapore về, tình cảm của lớp càng tăng cao. Mọi người sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ với nhau. Tôi thấy khóa học đã mang lại cho tôi rất nhiều lợi ích, làm thay đổi tư duy điều hành doanh nghiệp của tôi, mang đến cho tôi những người bạn lớn. Thực sự là tôi đã học được rất nhiều".
 
Và cũng tại lễ tổng kết và trao chứng chỉ tốt nghiệp dành cho các học viên khóa "CEO – Quản trị điều hành cao cấp kỷ nguyên 4.0" năm 2018, anh Trần Văn Giang – Giám đốc Công ty Cổ phần Bếp Chợ Lớn cho biết "Tôi thấy những kiến thức này rất thực tế và tôi sẽ áp dụng cho doanh nghiệp của mình. Tôi mong muốn sau khóa học có thể nâng tầm doanh nghiệp mình lên sao cho thật chuyên nghiệp".
 
Năm 2019, chương trình sẽ tuyển sinh 10 lớp với tổng số là 250 học viên và ưu tiên những người đăng ký sớm. Các nhà lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, những giám đốc trong tương lai mong muốn tiếp thu kiến thức mới về quản trị có thể đăng ký tham gia khóa học để trở thành những nhà điều hành doanh nghiệp cao cấp kỷ nguyên 4.0.
 
Viện Quản trị & Công nghệ FSB – ĐH FPT
 
Tìm hiểu thông tin chi tiết Khóa học tại địa chỉ Website: http://fpub.fpt.edu.vn/fsb/ceo8/
 
Email: ceo@fsb.edu.vn
 
Hotline: 0972 277 793
 

Covid-19: Cơ hội để các ngành công nghiệp tái cấu trúc và tái khởi động

Tại phiên thảo luận đầu tiên của Diễn đàn Kinh doanh 2020, các diễn giả trong ngành du lịch, hải sản, dệt may và công nghệ nhận định những thách thức do Covid-19 vẫn còn kéo dài, nhưng cũng là cơ hội để các ngành công nghiệp tái cấu trúc hoạt động, đổi mới sản phẩm và tái khởi động các dự án mới.

Các diễn giả trong phiên thảo luận "Thích ứng với thực tế mới", từ trái sang: Bà Nguyễn Lan Anh – Giám đốc điều hành Endeavor Vietnam; ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS; ông Nguyễn Văn Khoa – CEO FPT; ông Nguyễn Quốc Kỳ – chủ tịch Vietravel; bà Nguyễn Thị Thu Sắc – phó chủ tịch VASEP và CEO Hải Nam. Ảnh: Forbes Việt Nam.

Phiên thảo luận với chủ đề "Thích ứng với thực tế mới" được điều phối bởi bà Nguyễn Lan Anh, giám đốc điều hành Endeavor Vietnam. Bốn diễn giả tham là những nhà doanh nghiệp trong các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam: công nghệ, du lịch, hải sản và dệt may: ông Nguyễn Văn Khoa – CEO FPT; ông Vũ Đức Giang, chủ tịch hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS); bà Nguyễn Thị Thu Sắc, phó chủ tịch hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và CEO công ty TNHH Hải Nam; ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch Vietravel.
 
Đại diện doanh nghiệp du lịch, ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết đến nay các biện pháp hạn chế đi lại đã khiến thị trường sụt giảm mạnh. Thị trường du lịch inbound sụt giảm 85%, outbound giảm 85-90%, thị trường nội địa giảm trên 50%, trong khi doanh thu ngành giảm 61%…

Riêng tình hình kinh doanh của Vietravel đến nay “giảm khủng khiếp”“chưa bao giờ có kể từ năm 1997 đến nay”. Lượng khách giảm 70%, doanh thu chỉ còn 20-22% so với cùng kỳ. “Trong khi 135.000 doanh nghiệp khách sạn, nhà hàng lưu trú cũng như 1.500 công ty du lịch quốc tế dừng hoạt động, đến tháng 7 họ cố gắng quay trở lại thị trường nội địa thì lại bị giáng cú tiếp theo, phần lớn quỵ hẳn,” ông Kỳ chia sẻ.
 
Với toàn ngành hải sản, Covid-19 diễn ra đột ngột khiến nhiều doanh nghiệp phải “gác kiếm thua trận”, bà Nguyễn Thị Thu Sắc bày tỏ. Đơn cử, hàng hóa bị ùn ứ, quá tải lưu kho, dẫn đến ùn ứ, xe container xếp hàng dài ngoài kho, làm chi phí đội lên…
 
“Nhưng may mắn là Hải Nam không có trường hợp nào nhiễm bệnh, vì chỉ cần có một trường hợp thì cả một xưởng phải đóng cửa. Việc ưu tiên của chúng tôi là bảo toàn nhân lực ngay trong giai đoạn khó khăn này, dù công suất giảm đi nhưng nỗ lực không giảm người để khi thị trường phục hồi thì chúng tôi đã sẵn sàng,” bà Sắc nói.
 
Riêng với ngành dệt may, theo đánh giá của ông Vũ Đức Giang từ đầu năm đến tháng 9 đã trải qua ba cung bậc. Đầu tiên là ở quý I khi đối mặt với thách thức lớn từ sự tắc nghẽn từ các nhà sản xuất Trung Quốc và một số nước ở châu Á, nhiều lô vải phải bay đường vòng mới về đến Việt Nam. Hai là ở quý 2, hàng loạt đơn hàng sụt giảm, đặc biệt là các sản phẩm chiến lược như veston, sơ mi, quần tây, đầm nữ… Ba là sự sụt giảm giờ làm trong chín tháng qua đối với 3,6 triệu người lao động, thậm chí còn kéo dài đến nay.
 
Trong bối cảnh đó, ngành công nghệ là một trong những điểm sáng trên thị trường. “Chúng tôi khá may mắn khi vận hành trong khối công nghệ, ít chịu tác động từ đại dịch,” ông Nguyễn Văn Khoa nhìn nhận. Kết quả kinh doanh tám tháng của tập đoàn FPT với doanh thu tăng 7,6% và lợi nhuận tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2019, cổ phiếu cũng tăng tương đồng với sự tăng giá của nhiều cổ phiếu công nghệ trên thế giới.
 
Tuy nhiên ông Khoa chia sẻ FPT vẫn không chủ quan mà chuyển đổi hoạt động của toàn bộ máy “từ thời bình sang thời chiến” để “sống chung với lũ” và xem đây là cơ hội tốt để điều chỉnh lại nhiều chính sách nội bộ.
 
Nhìn về các kế hoạch kinh doanh sắp tới trong tình hình mới, các diễn giả đều dự đoán dịch bệnh sẽ còn kéo dài ít nhất đến năm 2021. Do đó, các ngành công nghiệp thậm chí phải chuẩn bị tinh thần cho sự trở lại hoạt động bình thường thậm chí đến quý III.2022. Tuy nhiên, từ đây đến khi tình hình kinh doanh sáng sủa trở lại, mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành nghề đều phải tiếp tục đẩy mạnh sự thay đổi, thích nghi và khởi động các ý tưởng mới.
 
Với ngành du lịch, theo ông Kỳ, là toàn tâm toàn ý tập trung cho thị trường nội địa 100 triệu dân, triển khai các sản phẩm du lịch "chưa từng có" nhằm đáp ứng nhu cầu mới của du khách Việt.
 
Trong khi đó, ngành hải sản sẽ tận dụng cơ hội lợi thế thuế quan từ EVFTA cũng như giải quyết vấn đề IUU (quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp của liên minh châu Âu) để biến “nghề cá nhân dân” trở nên có trách nhiệm và phát triển bền vững.
 
Hay cơ hội từ sự gia tăng mạnh các đơn hàng khẩu trang, quần áo trong nhà, đồ thể thao, quần áo nỉ… đang tạo điều kiện ngành dệt may thích ứng với sự thay đổi của thị trường.
 
Đại diện FPT thì cho biết sẽ cơ bản giữ lại nhiều “chính sách thời chiến” cho “thời bình” trong tương lai vì tin rằng dịch bệnh sẽ còn kéo dài. “Chúng tôi luôn nói với nhau rằng phải sống chung với lũ, mà người Việt Nam thì thích ứng khá linh hoạt, quan trọng là ai xoay trở nhanh hay chậm hơn mà thôi”.

(Nguồn: Forbes Việt Nam)

Hội đồng giảng viên FSB làm diễn giả Webinar với Trường Đại học Bangladesh

Tối ngày 8/10/2020, các thầy cô Hội đồng giảng viên FSB đã tham gia buổi webinar với chủ đề “ONLINE BUSINESS LEADERSHIP” cùng trường đối tác American International University (AIU) của Bangladesh.
 

 
Flyer thông báo về chương trình
 
Trong khuôn khổ chủ đề chương trình, các diễn giả đến từ FSB và AIU có đưa ra và trao đổi một số nội dung về:
Quan điểm về Lãnh đạo tại Việt Nam và Bangladesh
Nhận định của các giảng viên và người học về chủ đề hội thảo
Lãnh đạo như thế nào trong tình hình Covid-19 nói riêng, và trong khủng hoảng nói chung
Các ví dụ thực tế về các công ty ở Bangladesh và Việt Nam hoạt động như thế nào trong khủng hoảng
Lãnh đạo nên nhận định như thế nào về “Innovation” (Sự cải tiến)
Chuyển đổi số và vai trò mới của lãnh đạo hiện nay
 
 
Các diễn giả đến từ AIU tại hội thảo
 
Thầy Hà Nguyên – Trưởng ban đào tạo FSB đã chia sẻ về 2 quan điểm được trao đổi tại buổi hội thảo mà thầy tâm đắc, bao gồm:
“Leadership is more flat now in the digi-world, and more down to earth… It has lost the tittle of ”leader” somehow …” (Việc lãnh đạo hiện nay trong kỉ nguyên số đang trở nên “phẳng” hơn bao giờ hết. Theo một cách nào đó, danh xưng “nhà lãnh đạo” dần mất đi”) – Phát biểu bởi Phó giáo sư Soumendra Sanker Das, người đã có kinh nghiệm hơn 25 năm trong quản trị kinh doanh
 
Và: “Innovation is needed but should be sustainable …” (Đổi mới/cải tiến là cần thiết nhưng phải bền vững) – phát biểu bởi Giáo sư Md. Maksudur Rahman Sarker
 
Trong thời kì chuyển đổi số hiện nay, hình thức hội thảo trực tuyến webinar đã không còn xa lạ. Bằng cách này, mọi người trên toàn thế giới đều có thể kết nối lẫn nhau, trao đổi, học hỏi tinh hoa lẫn nhau và cùng nhau không ngừng tiến bộ!
 
Các đại diện diễn giả tham dự hội thảo lần này gồm:
* FSB:
Thầy Hà Nguyên – Trưởng ban đào tạo 
Các giảng viên: TS. Đoàn Thị Thu Hương, TS. Ngô Văn Cẩm, TS.Nguyễn Thanh Sơn 
* AIU:
Giáo sư Md. Maksudur Rahman Sarker
Phó giáo sư Soumendra Sanker Das
Phó giáo sư Khondaker Sazzadul Karim
Ông Roomee Tareque Moudud, Giám đốc

 
Các thầy cô giảng viên đại diện FSB tham gia hội thảo
 
Vài nét về đối tác: Khoa Quản trị kinh doanh American International University – Bangladesh (AIUB). Trường American International University có kiểm định của ACBSP, và hiện cũng là thành viên của AACSB
 
—-
 
Viện Quản trị & Công nghệ FSB – Đại học FPT www.fsb.edu.vn  có hơn 20 năm kinh nghiệm đào tạo về Quản trị Tổ chức và Doanh nghiệp, với hàng ngàn học viên các chương trình MBA, MSE, MiniMBA, CEO… cùng các khóa Đào tạo Doanh nghiệp khác hiện họ đang là những nhà quản trị nắm giữ những trọng trách cao trong các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như các công ty, tổ chức đa quốc gia trên Thế giới.
 
Về uy tín chất lượng chuyên môn nghiên cứu và đào tạo, trong nhiều năm liên tiếp từ 2011, Viện luôn giữ vị trí Top 3 trường đào tạo kinh doanh tốt nhất Việt Nam theo bình chọn của tổ chức Eduniversal https://www.eduniversal-ranking.com/. Năm 2019, chương trình MBA của FSB vinh dự có thứ hạng 24 (nâng 3 bậc từ thứ hạng từ 27) trong Top 30 chương trình MBA tốt nhất Đông Á. Đại học FPT cũng được tổ chức QS Stars (một trong 3 tổ chức đánh giá các trường Đại học uy tín nhất trên Thế giới) đạt chuẩn chung 3 sao, trong đó tiêu chí chất lượng giảng dạy (Teaching) đạt chuẩn 5 sao. Đặc biệt tháng 11/2019 trường đã được ACBSP (Global Business Accreditation https://www.acbsp.org/) kiểm định chất lượng (Accredited) – đây là một trong 2 tổ chức điểm định quốc tế cao nhất với khối ngành quản trị kinh doanh hiện nay.