Dự báo 7 xu hướng mạng xã hội định hình doanh nghiệp trong năm 2023

Trong thế giới được kết nối, việc nắm bắt các xu hướng xã hội sẽ mang tới nhiều lợi thế cho doanh nghiệp.

Ông Khôi Lê – Giám đốc quốc gia thị trường Việt Nam của Meta trình bày về báo cáo
 
Mạng xã hội và nhà sáng tạo nội dung – người có tầm ảnh hưởng hay chính người thân, bạn bè đóng góp một phần không nhỏ tới quá trình người tiêu dùng khám phá mua hàng, đánh giá chất lượng sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.
 
Ông Khôi Lê – Giám đốc quốc gia thị trường Việt Nam của Meta đã chia sẻ những xu hướng mạng xã hội hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ trên các nền tảng của Meta mà doanh nghiệp không thể bỏ qua trong năm 2023.
 
So với 3 năm về trước, việc vận hành một doanh nghiệp ngày nay đã có nhiều khác biệt rõ rệt khi số hóa bao phủ và các đối thủ cạnh tranh có thể đến từ mọi nơi trên thế giới. Theo báo cáo mới nhất của eMarketer, khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) sẽ chiếm gần 60% người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới vào năm 2023. Mặc dù tăng trưởng chỉ với 2,7%, lượng người dùng mạng xã hội của khu vực trong năm nay (dự tính hơn 59 triệu) sẽ cao hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại. Vì vậy, tiềm năng để xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp trên các nền tảng mạng xã hội và kết nối với khách hàng ở bất cứ đâu là rất lớn.
 
Dưới đây là các xu hướng mạng xã hội được dự đoán là nổi bật nhất, giúp các doanh nghiệp Việt nắm bắt sớm và tối đa hiệu quả kinh doanh.
 
1. Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI)
 
Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã có một bước ngoặt lớn kể từ cuối năm 2022. Nhờ vào công nghệ ngày càng đi lên, AI đang trở nên phổ biến hơn và khả năng ngày càng được nâng cao, do vậy ngày càng có nhiều sản phẩm và dịch vụ kết hợp AI như thiết bị nhà thông minh, ô tô tự lái và trợ lý ảo.
 
Việc sử dụng AI để phân tích, sắp xếp, truy cập và cung cấp các dịch vụ tư vấn dựa trên một loạt thông tin phi cấu trúc sẽ ngày càng phát triển. Chi tiêu cho các hệ thống AI ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương của IDC (Tập đoàn Dữ liệu quốc tế) sẽ tăng từ 17,6 tỷ USD vào năm 2022 lên khoảng 32 tỷ USD vào năm 2025. Các doanh nghiệp cũng đang ứng dụng tự động hóa để cải thiện trải nghiệm của khách hàng và tiết kiệm thời gian; sử dụng các trợ lý thực tế ảo tăng cường để hỗ trợ dịch vụ khách hàng cũng như các công cụ tự động hoá thông minh để giải quyết các công việc kinh doanh phức tạp, lặp đi lặp lại nhằm thúc đẩy quyết định mua hàng nhanh chóng hơn.
 
2. Kinh doanh hội thoại (Business Messaging)
 
Chúng ta đang sống trong một thế giới nơi nhắn tin được ưu tiên hàng đầu. Mỗi tuần, một tỷ người trên toàn cầu nhắn tin với một doanh nghiệp trên WhatsApp, Messenger và Instagram Direct – Nhắn tin trực tiếp với các thương hiệu, xem danh mục sản phẩm, yêu cầu hỗ trợ hoặc tương tác với các câu chuyện (Stories) được đăng tải.
 
Tại Việt Nam, nghiên cứu cho thấy kinh doanh bằng hội thoại đang bùng nổ mạnh mẽ sau đại dịch với 73% Người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát cho biết họ sử dụng hội thoại để tiếp cận doanh nghiệp và hội thoại là một phần quan trọng trong hành trình mua sắm; 40% người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát cho biết họ tăng tần suất sử dụng hội thoại sau khi dịch Covid 19; Tần suất sử dụng hội thoại diễn ra thường xuyên (2 lần một tuần) được ghi nhận ở tất cả các độ tuổi (baby boomer, GenX, Millenials và gen Z).
 
3. Mua sắm xuyên biên giới
 
Thế giới ngày càng trở lên nhỏ bé hơn khi công nghệ giúp bạn mua sắm dễ dàng hơn từ mọi nơi. Nhờ đó, mức tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới hiện đang vượt xa tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong nước 5 điểm.
 
Đến năm 2026, ước tính thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu sẽ trị giá 2,2 nghìn tỷ USD – tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 17% kể từ năm 2019. Meta đã phối hợp với YouGov để khảo sát hơn 16.000 người mua sắm tại 8 quốc gia. Hơn một nửa số người được khảo sát cho biết họ đã mua một sản phẩm được bán bởi một doanh nghiệp ở nước ngoài và 82% cho biết họ cởi mở với phương thức này, cho thấy tiềm năng và cơ hội kinh doanh xuyên biên giới trong tương lai.
 
Phương tiện truyền thông xã hội đóng một vai trò quan trọng không kém trong quá trình khám phá, với 58% người mua sắm xuyên biên giới được khảo sát nói rằng họ tìm thấy sản phẩm từ các doanh nghiệp nước ngoài theo cách này.
 
4. Thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường (VR & AR)
 
Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng AR/VR để tăng cường trải nghiệm khách hàng và xây dựng các cách thức sáng tạo, sống động giúp khách hàng trải nghiệm thương hiệu.

Ông Khôi Lê – Giám đốc quốc gia thị trường Việt Nam của Meta
 
Theo IDC, chi tiêu vào AR/VR tại khu vực APAC sẽ tăng với mức độ tăng trưởng kép ở mức 42,2% (2021-26) và chạm tới mức 16,6 tỷ USD trước năm 2026. Quảng cáo thực tế ảo tăng cường là yếu tố giúp doanh nghiệp củng cố kết nối với khách hàng và cải thiện trải nghiệm quảng cáo chung cho người dùng trên các nền tảng của Meta.
 
Nghiên cứu mới nhất của Meta về thái độ và hành vi tiêu dùng dịp cuối năm được thực hiện tại 12 thị trường APAC cho thấy, 79% người mua sắm trên mạng xã hội tại Việt Nam được khảo sát đã sử dụng AR hoặc sẵn sàng sử dụng AR khi mua sắm trực tuyến cuối năm. 80% người mua sắm trên mạng xã hội được khảo sát tin rằng các công cụ thực tế tăng cường có ảnh hưởng đến quyết định mua hàng trong dịp Siêu Sales.
 
5. Các nhà sáng tạo
 
Một khảo sát cho thấy 51% người mua sắm xuyên biên giới cho rằng nhà sáng tạo nội dung là nguồn thông tin hàng đầu để khám phá và đánh giá sản phẩm. Điều này tạo cơ hội cho các thương hiệu hợp tác với những người sáng tạo để cùng xây dựng một câu chuyện thương hiệu. Vào cuối năm vừa qua, Việt Nam là thị trường đầu tiên trong khu vực APAC được Meta lựa chọn để đã khởi động chương trình ‘Creators of Tomorrow" (tạm dịch: Nhà sáng tạo tương lai) – chiến dịch toàn cầu hướng tới tôn vinh các nhà sáng tạo trên khắp thế giới và tại Việt Nam- những người truyền cảm hứng về phong trào sáng tạo nội dung trên các nền tảng của Meta. Đối với các thương hiệu, đây là thời điểm vàng để khám phá hoạt động cộng tác, đồng sáng tạo với các nhà sáng tạo nội dung và thậm chí là cộng tác với các thương hiệu khác để cùng phát triển.
 
6. Mua sắm trực tuyến
 
Tuy các cửa hàng vật lý đang đón khách trở lại, thói quen mua hàng trực tuyến được hình thành trong giai đoạn đại dịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ và dần thay thế cho trải nghiệm mua hàng trực tiếp.
 
Đối với thế hệ Gen X và Baby Boomers, điện thoại di động tiếp tục được sử dụng như một kênh khám phá. Kết quả từ nghiên cứu thường niên SYNC Đông Nam Á của Meta và Bain & Company về kinh tế số và tương lai của thương mại điện tử tại khu vực cho thấy tại Việt Nam, gần 8/10 dân số tiêu biểu hiện là người tiêu dùng kỹ thuật số. Trong giai đoạn Khám phá, 84% người mua sắm Việt Nam xem trực tuyến là kênh truy cập của họ để duyệt và tìm các mặt hàng.
 
7. Video ngắn
 
Video tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trên internet và trên các nền tảng của Meta, trong đó có Reels đang phát triển mạnh mẽ về cả sản xuất và tiêu thụ nội dung. Hiện nay, có hơn 140 tỷ Reels được phát trên Facebook và Instagram mỗi ngày. Đặc biệt là tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, video đang trở thành cách thức chính mà mọi người sử dụng sản phẩm của Meta và thể hiện bản thân.
 
Nhận định về xu hướng trên, ông Khôi Lê đưa ra lời khuyên dành cho các doanh nghiệp: "Đầu tiên, doanh nghiệp cần xác định rõ các mục tiêu: xây dựng thương hiệu hay thúc đẩy trải nghiệm mua sắm. Trong xu hướng này, việc đa dạng hoá định dạng và thời lượng của video khi kể câu chuyện thương hiệu sẽ vừa giúp xây dựng thương hiệu, vừa giúp người dùng khám phá hiệu quả hơn. Ngày nay, doanh nghiệp có nhiều lợi thế như có nhiều cách để kết nối với khách hàng và xây dựng thương hiệu thông qua nhiều trải nghiệm xã hội, trực tuyến, nhập vai và trò chuyện – đó là một không gian thú vị để khám phá. Cuối cùng, lời khuyên quan trọng nhất của tôi tới các doanh nghiệp là đừng ngần ngại bắt đầu, như cách nói của Meta, Hãy bắt đầu ở mọi nơi – chắc chắn những cách thức kinh doanh và kết nối mới này với người tiêu dùng sẽ ngày càng phát triển".

Nguồn: VTV

ChatGPT & Ứng dụng cho doanh nghiệp: Khám phá công nghệ trí tuệ nhân tạo cùng FSB

ChatGPT cán mốc 100 triệu người/tháng, chỉ 2 tháng ra mắt, TikTok cần 9 tháng, trong khi Instagram mất tới 2,5 năm còn Google Translate là 6,5 năm. Điều gì đã làm nên mức độ phổ biến mạnh mẽ của chatbot này và ChatGPT sẽ được ứng dụng như thế nào vào doanh nghiệp?

Tối ngày 23/02/2023 vừa qua, Viện Quản trị & Công nghệ FSB, Đại học FPT tổ chức Hội thảo quản trị: ChatGPT & Ứng dụng cho doanh nghiệp thông qua nền tảng zoom meeting thu hút gần 500 học viên các chương trình đào tạo và khách mời tham dự trực tuyến.
 
ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ lớn (large language model) được đào tạo bởi OpenAI. ChatGPT sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để cung cấp câu trả lời cho các câu hỏi và tương tác với con người thông qua các kênh trò chuyện trực tuyến, như chatbot. ChatGPT được đào tạo trên một lượng lớn dữ liệu và có khả năng hiểu và trả lời các câu hỏi liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Để sử dụng ChatGPT hiệu quả hơn, người dùng cần biết cách đặt câu hỏi, khai thác AI, đảm bảo dữ liệu đầu vào càng chi tiết thì kết quả càng chính xác.

Với sự điều phối của Tiến sĩ Trần Quang Huy, Giám đốc chương trình Global MiniMBA, diễn giả – Tiến sĩ Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ FPT chia sẻ về khía cạnh công nghệ, các thuật toán của mô hình ngôn ngữ lớn này; hơn 50 câu hỏi được gửi về và rất nhiều bình luận trực tuyến, buổi trò chuyện diễn ra sôi nổi, giải đáp thắc mắc giúp các nhà quản trị hiểu rõ hơn về công cụ này.
 
Bên cạnh những ưu điểm của ChatGPT như đa nhiệm vụ, đa lĩnh vực, đa ngôn ngữ, nắm được ngữ cảnh dài, cho ra câu trả lời là câu từ tự nhiên, khiến người yêu cầu hài lòng hơn thì người dùng cần phải lưu ý một số vấn đề của công cụ AI này. Với kết quả mô hình ngôn ngữ lớn này trả về, người dùng cần kiểm soát tính chính xác khi không truy xuất được nguồn gốc thông tin, ChatGPT hoạt động dựa trên mô hình “đông cứng” khi chỉ được “đào tạo” trên dữ liệu đến năm 2021, chưa có tính cập nhật dữ liệu mới nhất.

Tại hội thảo, chuyên gia công nghệ đã giới thiệu về cách ChatGPT hoạt động và các ứng dụng của nó cho doanh nghiệp. ChatGPT có khả năng tạo ra nội dung tự động, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí trong việc tạo ra nội dung cho website, fanpage và các kênh truyền thông khác. Bên cạnh đó, ChatGPT còn có thể tích hợp vào website, giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng tương tác với khách hàng thông qua chatbot, giúp tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và tăng cường doanh số bán hàng.
 
Với sự truy cập dễ dàng, tiềm năng lớn, ChatGPT được dự đoán sẽ sớm thay thế cho một số ngành nghề trong tương lai. Dưới góc nhìn của nhà quản trị nhân sự, TS Trần Quang Huy chia sẻ trong thực tế đã có nhiều biến động từ các cuộc cách mạng công nghệ trước đây, những công việc lặp đi lặp lại có thể thay thế, tuy nhiên đây là công cụ do con người tạo ra và để phục vụ cho con người. Đồng ý với điều đó, Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ FPT cho rằng đừng quá lo lắng, sự xuất hiện của AI làm thay đổi nhận thức con người, để người lao động sẵn sàng thích ứng và có khả năng số, sáng tạo để công việc hiệu quả hơn.

Tin FSB

FSB Vinh danh Học viên xuất sắc tiêu biểu Kỳ FALL 2022 – cơ sở Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ & TP. Hồ Chí Minh

Viện Quản trị & Công nghệ FSB, Đại học FPT đã tổng hợp kết quả học tập và tổ chức vinh danh Kỳ Fall năm 2022 – cơ sở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng & Cần Thơ, dành cho những học viên tiêu biểu của chương trình đào tạo Thạc sĩ.

FSB xin chúc mừng các học viên có tên trong danh sách khen thưởng dưới đây:

1. Tại FSB cơ sở Hà Nội 
Danh hiệu Golden Key Students
Học viên Lê Thị Hương Giang (GXM#01HN)
 
 
Học viên Trịnh Thị Hà My (MSE#10HN)
 
 
Danh hiệu Champion Award/Học viên xuất sắc nhất lớp: 
Học viên Đỗ Thị Thanh Thủy (GXM#01HN)
 
Học viên Đỗ Hải Bình (MSE#10HN)
 
 
2. Tại FSB cơ sở TP Hồ Chí Minh
Danh hiệu Golden Key Students:
Học viên Bành Chí Hồng (GEM#02HCM)
 

 
Học viên Nguyễn Thị Phương Loan (GEM#02HCM)

 
Danh hiệu Champion Award/Học viên xuất sắc nhất lớp: 
Học viên Nguyễn Thị Thiền (GEM#02HCM)
 

 
Học viên Phạm Quang Việt (MSE#11HCM)
 

 
3. Tại FSB cơ sở Đà Nẵng 
Danh hiệu Golden Key Students:
Học viên Nguyễn Lê Thanh Quyên (GEM#09DN)
 

 
Danh hiệu Champion Award/Học viên xuất sắc nhất lớp: 
Học viên Trần Hà Mỹ Lợi (GEM#09DN)
 

 
4. Tại FSB cơ sở Cần Thơ
Danh hiệu Golden Key Students:
Học viên Võ Cao Giới (GEM#08CT)
 

 
Danh hiệu Champion Award/Học viên xuất sắc nhất lớp: 
Học viên Nguyễn Thị Thu Thảo (GEM#08CT)
 

 
Vinh danh Học viên xuất sắc tiêu biểu theo học kỳ & hàng năm là hoạt động thường kỳ/thường niên của Viện Quản trị & Công nghệ FSB, Đại học FPT. Không chỉ biểu dương những học viên đã có thành tích vượt bậc, Ban lãnh đạo Viện hi vọng đây cũng là cơ hội để toàn bộ học viên cả 4 cơ sở FSB trên cả nước tiếp tục thi đua rèn luyện và bứt phá trong học tập. FSB luôn trân trọng và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các học viên có thể phát huy kiến thức, tài năng cùng lòng nhiệt thành của mình, góp sức vào sự phát triển của quốc gia.
Tin FSB

Ứng phó với nguy cơ lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra nhận định, nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đà lạm phát ở mức 6,6% và tăng trưởng dự kiến giảm từ 3,4% xuống còn 2,9%. Vì vậy, doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần chủ động chuẩn bị để ứng phó với những khó khăn, diễn biến khó lường trong thời gian tới.

Năm 2022 chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của nhiều nền kinh tế trên thế giới sau thời gian dài suy thoái do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều tổ chức tài chính lớn đều nhận định năm 2023 sẽ là một năm đầy khó khăn với nguy cơ lạm phát ở mức cao và suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ diễn ra trong vòng 3-6 tháng tới. 
 
DN sẽ bị tổn thương nặng nề do lạm phát và suy thoái
 
Ảnh hưởng đầu tiên do lạm phát gây ra đối với DN là doanh thu và lợi nhuận sẽ sụt giảm do chi phí đầu vào tăng, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng và do lạm phát nên sức mua sẽ giảm, dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Mặt khác, do lạm phát tăng nên lãi suất cho vay của ngân hàng cũng sẽ tăng, dẫn đến chi phí tài chính tăng, ảnh hưởng  đến giá thành sản phẩm. 
 
Với tốc độ lạm phát dự kiến ở mức 6,6% thì lãi suất huy động phải cao hơn tốc độ lạm phát mới thu hút được người gửi tiền, cộng với chi phí quản lý ngân hàng trung bình khoảng từ 3-4% nên lãi suất cho vay của ngân hàng khó kéo xuống dưới 10%/năm. Với mức lãi suất cho vay cao như vậy, DN khó làm ăn có lãi. Để cắt giảm chi phí, nhiều DN chọn giải pháp đầu tiên là cắt giảm nhân sự. Các tập đoàn lớn như Amazon, Meta, Google… đã sa thải hàng chục nghìn nhân viên trong thời gian qua là dấu hiệu cho thấy DN sẽ phải đối đầu với làn sóng sa thải hàng loạt và thất nghiệp tràn lan.
 
Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn suy thoái nên nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm sâu. Suy thoái cộng với lạm phát nên có khả năng các chính phủ sẽ sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để ổn định nền kinh tế, vì vậy rất khó để huy động vốn, kể cả qua hệ thống ngân hàng hoặc các kênh phát hành cổ phiếu, trái phiếu DN. Có thể thấy một số ngành sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do suy thoái kinh tế như xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ, bất động sản và bán lẻ. 
 
Việt Nam là quốc gia xuất nhập khẩu lớn với kim ngạch năm 2022 đạt trên 730 tỷ USD nên suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng rất lớn. Mặc dù Chính phủ đã có các chính sách để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản cũng như tăng cường đầu tư công và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng dường như trong tình hình suy thoái toàn cầu, những giải pháp đó vẫn chưa mang lại hiệu quả.
 
DN bất động sản, xây dựng vẫn đang trong "cơn ngủ đông", kinh doanh bết bát, thua lỗ. Suy thoái kinh tế dẫn đến dòng tiền của DN khan hiếm, nợ xấu tăng cao do khách hàng cũng lâm vào tình trạng khó khăn nên những DN nhỏ và yếu sẽ tổn thương nặng nề nhất, có khả năng lâm vào nợ nần và nguy cơ phá sản.
 
Chủ động đánh giá rủi ro và tìm cách ứng phó    
 
Đầu tiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện chi phí đầu vào tăng cao do lạm phát, DN cần xem xét cắt giảm tối đa chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cần nhanh chóng đàm phán với các nhà cung ứng để giảm giá mua nguyên vật liệu hoặc giữ ổn định giá trong điều kiện cho phép nhằm giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ. Nên cắt giảm các chi phí quản lý bằng hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Không nên cắt giảm ngay nhân sự để giảm giá thành sản phẩm, mà nên xem đây là giải pháp cuối cùng.

DN cần đánh giá mức độ khủng hoảng để xây dựng kế hoạch dự trữ nguyên vật liệu hợp lý trong khả năng tài chính để chủ động nguồn nguyên liệu và tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh những dòng sản phẩm bắt buộc phải tăng giá do lạm phát thì DN nên xây dựng những dòng sản phẩm mới với giá thấp hơn, để tăng doanh thu và giữ chân khách hàng.
 
Trong giai đoạn lạm phát và suy thoái, việc quản trị dòng tiền hiệu quả là vô cùng quan trọng. DN cần thận trọng khi xem xét mở rộng đầu tư, nhất là chưa có tính khả thi hoặc khả năng thu hồi vốn không cao. Đối với khách hàng, cần đàm phán hợp đồng với điều kiện thanh toán ngắn hơn bình thường, ưu tiên hợp đồng có khả năng thanh khoản cao, khách hàng có tài chính mạnh. Đối với nhà cung ứng, DN cần đàm phán lại các điều kiện thanh toán, ưu tiên trả chậm để bảo đảm dòng tiền được sử dụng hiệu quả. 
 
Một vấn đề làm đau đầu không ít doanh nhân trong giai đoạn suy thoái kinh tế là sa thải nhân viên để cắt giảm chi phí. Như đã phân tích ở trên, cắt giảm nhân sự là giải pháp cuối vì cùng với nguồn vốn, nguồn nhân lực là trụ cột của DN. DN cần phân loại, đánh giá các nhóm nhân viên trước khi ra quyết định cho nghỉ việc hay không. Ưu tiên giữ lại bộ khung chủ chốt và những nhân viên, quản lý giỏi.
 
Bên cạnh cắt giảm nguồn lực để giảm chi phí thì DN cũng đối diện với nguy cơ mất nhân tài khi "thắt lưng buộc bụng" bằng cách giảm quỹ lương, phúc lợi, cắt giảm giờ làm. Những nhân viên, quản lý tài năng vẫn có cơ hội chuyển sang các công ty khác mà họ cho là đối xử tốt hơn. Vì vậy, chủ DN cần có hình thức khen thưởng, động viên, nhìn nhận thành tích, khích lệ tinh thần để giữ nhân tài trong giai đoạn khó khăn. DN có thể tranh thủ giai đoạn suy thoái để tiến hành đào tạo kỹ năng cho người lao động. 
 
Cuối cùng, DN cần trích lập đầy đủ các quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng, quỹ trợ cấp thất nghiệp theo quy định để sử dụng trong giai đoạn suy thoái và lạm phát cho các mục đích như đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ để nâng cao năng suất lao động, khen thưởng kịp thời cán bộ quản lý, nhân viên để giữ nhân tài, trợ cấp người lao động bị thất nghiệp do cắt giảm nhân sự. 
 
Nguy cơ lạm phát và suy thoái có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong năm 2023 nên DN cần chuẩn bị ngay từ những ngày đầu năm để ứng phó tốt nhất. 
Nguồn: DNSG

Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng kinh tế số mạnh trong khu vực ASEAN

Theo dự báo, Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng kinh tế số mạnh trong khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2022-2025, với mức tăng trưởng trung bình 31%.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa công bố báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023”. Báo cáo đưa ra hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam, theo đó tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47% theo kịch bản 1 và 6,83% trong kịch bản 2. Bên cạnh đó, lạm phát bình quân năm dự báo lần lượt ở mức 4,08% và 3,69%.
 
Tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại – công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD…
 
Báo cáo đã nhìn nhận lại thời kỳ đổi mới năm 1986 đến nay, Việt Nam tập trung cải cách 3 trụ cột chính là cải cách thể chế kinh tế định hướng thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Theo báo cáo, ba giai đoạn 1989-1996; 2000-2007 và 2014-2019, Việt Nam hội nhập kinh tế mạnh mẽ và có những đổi mới căn bản cũng như đạt được những thành tựu kinh tế – xã hội quan trọng.
 
Nhờ đó, kim ngạch thương mại vẫn đạt được những kết quả khả quan ngay cả trong giai đoạn nền kinh tế phải đối mặt với những tác động bất lợi như căng thẳng Mỹ – Trung Quốc hay những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Việt Nam được xem là một trong những thị trường thương mại điện tử tiềm năng trên thế giới.
 
Trong khi đó, theo báo cáo từ Google, Temasek và Bain&Co (e-Conomy SEA 2022), ước tính kinh tế số của Việt Nam đạt 23 tỷ USD trong năm 2022 và cao thứ ba trong khu vực (sau Indonesia 77 tỷ USD và Thái Lan 33 tỷ USD). Báo cáo này dự báo Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng kinh tế số mạnh trong khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2022-2025. Kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng được dự báo ở mức trung bình 31%/năm cho giai đoạn 2022-2025.

Nguồn: DNSG