FSB khai giảng khóa đào tạo Toàn cầu hóa cho Tập đoàn FPT

FSB phối hợp cùng với Trường đào tạo cán bộ FPT (FCU) tổ chức thành công lễ khai giảng lớp FPT MiniMBA#58TCH. Đây là khóa đào tạo toàn cầu hóa trực tuyến 100% đặc biệt dành cho 42 cán bộ quản lý của Tập đoàn FPT đang làm việc tại nước ngoài, bao gồm FPT Japan và FPT Malaysia.
 
 
Tham dự lễ khai giảng có sự tham dự của các lãnh đạo FPT trong và ngoài nước: Bà Trịnh Thu Hồng – Trưởng ban Triển khai Đào tạo FCU, Chị Chu Thị Thanh Hà – Chủ tịch FPT Sofware, Anh Nguyễn Việt Vương – Tổng Giám đốc FPT Japan Holdings, Anh Hoàng Việt Anh – Tổng giám đốc FPT Telecom.
 
 
Khóa học khai giảng tại một thời điểm đặc biệt khi 90% FPTers đều đang Work From Home, có nơi còn đang lockdown toàn quốc do tình hình dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, tinh thần học tập của anh chị học viên luôn phấn khởi và nhiệt huyết. FSB cũng mong muốn rằng, đây là cơ hội để các anh chị học viên đang công tác ở nước ngoài có cơ hội học tập liên tục, và trải nghiệm phương pháp đào tạo đặc biệt của chương trình riêng tại FPT MiniMBA.
 
FSB tự hào là đơn vị đồng hành suốt 12 năm liên tục cùng FCU trong triển khai chiến lược đào tạo nâng cao năng lực cán bộ của tập đoàn FPT, đáp ứng năng lực chuyên môn trong 1 thế giới VUCA đầy biến động!
 
Tin FSB

FSB thành công tổ chức Hội thảo song phương Việt – Mỹ về CXM

Sáng ngày 5/6/2021, Viện Quản trị & Công nghệ FSB, Đại học FPT đã tổ chức buổi toạ đàm trực tuyến “Chiến lược quản trị trải nghiệm khách hàng xuất sắc” với các diễn giả là những chuyên gia hàng đầu Hoa Kỳ.
 
 
Đảm nhận vị trí host dẫn dắt chương trình là Giảng viên FSB, TS. Phan Minh Đức. Cùng các diễn giả đến từ Hoa Kỳ:
TS. Tom Dewitt, Chủ tịch hiệp hội các chuyên gia trải nghiệm khách hàng Michigan, Hoa Kỳ; Giám đốc CXM@MSU
Và TS. Hang Nguyen, Giảng viên Đại học Michigan , Hoa Kỳ, từng đoạt giải thưởng National Emerald Literati 2019.
 
Do tình hình diễn biến phức tạp của dịch covid, chương trình được FSB triển khai qua hình thức trực tuyến – song ngữ, trên nền tảng ứng dụng Zoom. 
 
Hai chủ đề chính được các diễn giả chia sẻ tại hội thảo lần này bao gồm:
1. Xây dựng một tổ chức lấy khách hàng làm trung tâm – bởi TS. Tom Dewitt, 
2. Sử dụng tín hiệu cảm quan để thiết kế trải nghiệm khách hàng xuất sắc – bởi TS. Hang Nguyen
 
 
Theo đó, 75% người tham dự hội thảo cho biết : công ty/tổ chức doanh nghiệp (tại Việt Nam) mà họ đang làm việc hiện nay quan tâm đến quản trị trải nghiệm khách hàng. Trong số đó, không nhiều doanh nghiệp thực sự có “thói quen” lấy khách hàng làm trung tâm. Các doanh nghiệp chủ yếu mới chỉ thường xuyên lắng nghe khách hàng hoặc theo sát khách hàng về những phản hồi của họ. Nhưng chưa thực sự có các hoạt động như: Chủ động dự đoán nhu cầu khách hàng; Xây dựng sự đồng cảm của khách hàng với quy trình & chính sách của doanh nghiệp; Hành động một cách có hệ thống để cải thiện trải nghiệm của khách hàng hay Thích ứng ứng với nhu cầu & hoàn cảnh của khách hàng một cách kịp thời.
 
 
Google và Apple được các diễn giả đánh giá là một trong số ít những “doanh nghiệp ngôi sao” hàng đầu hiện nay làm tốt về “Trải nghiệm khách hàng”. Nếu như Google là một tổ chức lấy khách làm trung tâm, sử dụng hệ thống thông tin để giúp khách hàng cập nhật xu hướng và đưa ra quyết định. Thì Apple & Steve Jobs lại đầu tư vào hành trình khách hàng khác nhau với những phân khúc khách hàng khác nhau. 2 “ông lớn” về công nghệ nói trên cũng là ví dụ điển hình cho tổ chức doanh nghiệp đã xuất sắc xây dựng các “tín hiệu cảm quan” trong thiết kế trải nghiệm khách hàng, đáp ứng được những mong muốn của họ.
 
 
Hội thảo cũng ghi nhận được rất nhiều những câu hỏi, thắc mắc từ những người tham dự chương trình dành cho các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ. Tuy là lần đầu tổ chức Hội thảo song phương trực tuyến, nhưng FSB được ghi nhận thành công với 98% ý kiến đánh giá “Rất tốt”.  
 
 
 
Để chương trình diễn ra được trọn vẹn, FSB đã đầu tư toàn bộ trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến bậc nhất để đường truyền luôn được ổn định và mượt mà. Ngoài ra, phần phiên dịch song ngữ 2 thứ tiếng cũng là điểm sáng của chương trình. Người tham gia hội thảo có thể “cùng lúc” sử dụng tiếng Anh/phiên dịch tiếng Việt sao cho phù hợp với khả năng cá nhân, mà không mất thời gian gián đoạn chuyển đổi ngôn ngữ (diễn giả – phiên dịch viên) như các hình thức song ngữ thông thường hiện nay. Sử dụng cùng lúc hai thứ tiếng giúp người tham dự còn có thể trau dồi khả năng nghe – nói ngoại ngữ, thông qua các hoạt động tương tác cùng diễn giả và những người khác. Đây cũng là hình thức sẽ được FSB áp dụng trong việc giảng dạy tại các buổi học của chương trình đào tạo chuyên sâu về Quản trị trải nghiệm khách hàng sắp khai giảng tới đây. 
 
Thông tin chi tiết về khoá học CXM: http://fpub.fsb.edu.vn/cxm
Viện Quản trị & Công nghệ FSB – Trường Đại học FPT
Số điện thoại: 024 6287 1628
 

Bạn có thể nghèo, nhưng tuyệt đối không thể không đọc sách!

Tác giả nước ngoài tên Bành Tiểu Lục trong cuốn sách có tên “Phương pháp đọc sách hành tây” đã đề xuất ra phương pháp đọc sách hiệu quả dành cho những người không biết cách đọc sách hoặc đọc sách không có hiệu quả. Tác giả cho rằng phương pháp đọc này không chỉ có thể giúp một người ngày càng trở nên ưu tú, mà còn giúp việc đọc sách phát huy được hiệu quả tối ưu nhất.

Tác giả Natalie Goldberg trong cuốn "Writing down the bones" có viết: Thời gian là thứ quý giá nhất của con người, các nhà văn đều sẽ dùng thời gian để đổi lấy tiền bạc, càng là nhà văn tài giỏi sẽ càng "ngốc" một chút.
 
Hiểu rộng ra, người nghèo không bao giờ dành thời gian cho việc đọc sách, mà dành thời gian suốt ngày ngồi nghĩ tới việc làm sao để kiếm được tiền nhanh nhanh chóng chóng, trong khi những người tài giỏi lại thường dành thời gian cho việc đọc sách, rồi thông qua đọc sách để kiếm tiền. Những người thành công như Bill Gates, Warren Buffett… họ đều có thói quen đọc sách.
 
Có thể có rất nhiều người sẽ nói rằng mình cũng muốn rèn thói quen đọc sách như những người tài giỏi khác, có điều bản thân đọc không những không có hiệu quả, mà ngược lại càng thấy mơ hồ hơn.
 
Tác giả nước ngoài tên Bành Tiểu Lục trong cuốn sách có tên "Phương pháp đọc sách hành tây" đã đề xuất ra phương pháp đọc sách hiệu quả dành cho những người không biết cách đọc sách hoặc đọc sách không có hiệu quả. Tác giả cho rằng phương pháp đọc này không chỉ có thể giúp một người ngày càng trở nên ưu tú, mà còn giúp việc đọc sách phát huy được hiệu quả tối ưu nhất.

Nâng cao hiệu quả đọc sách, phương pháp đọc sách hành tây là một phương pháp đáng để cân nhắc.
 
Giống như tên gọi, đọc sách cũng giống như lột củ hành tây, từng tầng từng tầng một bóc ra, ý muốn nói chúng ta trong quá trình đọc sách, quan trọng nhất không phải là đọc xong một cuốn sách thì xem như hoàn thành, mà là một quá trình biến "đọc" thành "dụng" (áp dụng, thực hành), cuối cùng biến nó thành một hệ thống đọc.
 
Đây là một trong những phương pháp khá phổ biến của những người tài giỏi, nói một cách đơn giản thì việc đọc được chia làm các phương pháp như đọc phân mảnh, đọc nhanh hay đọc theo chủ đề…
 
Sở dĩ nói phương pháp đọc sách hành tây quan trọng, đó là bởi lẽ khi sử dụng phương pháp đọc hành tây, trọng tâm không chỉ là hoàn thành cuốn sách, mà khi đọc còn phải đem theo các câu hỏi, suy nghĩ về vấn đề, và thậm chí tiếp tục đưa ra các giải pháp cho vấn đề.
 
Đây mới trọng tâm của phương pháp đọc hành tây, chỉ khi đọc có mục đích và chính xác, việc đọc mới có hiệu quả hơn.
 
Chẳng hạn, rất nhiều người đọc một cuốn sách, họ chỉ chăm chăm vào đọc, mà không chú tâm vào ý tứ mà tác giả muốn truyền đạt, không chịu suy nghĩ về hàm ý đằng sau mỗi một đoạn, một câu chữ… kiểu đọc như này chỉ là đọc bề nổi, mà không cho ra được thu hoạch gì lớn lắm.
 
Đây cũng là bởi lẽ trong quá trình đọc, không có một tư duy cố định, trong khi chỉ khi không ngừng sáng tạo, không ngừng suy nghĩ, không ngừng tìm kiếm câu hỏi và câu trả lời cho câu hỏi đó, đọc sách mới có thể đọc hiểu, đọc thông, đây đồng thời cũng là lợi ích rõ nét nhất của phương pháo đọc hành tây.

Làm sao để đọc sách với phương pháp đọc hành tây?
 
Trong cuốn "Phương pháp đọc sách hành tây", tác giả đã đề xuất ra 7 phương pháp đọc logic cơ bản, trong đó có 3 phương pháp gần gũi nhất với chúng ta, chính là đọc phân mảnh, đọc nhanh và đọc theo chủ đề.
 
Đọc phân mảnh, có nghĩa là lợi dụng những khoảng thời gian rảnh rỗi, ngắt quãng để đọc sách. Nhưng đọc như nào mới có ích?
 
Chẳng hạn, bây giờ bạn có 30 phút rảnh rỗi để đọc sách, vậy thì đừng đọc lan man, hãy chọn ra một chi tiết, đọc cho hiểu cho thông chi tiết, phân đoạn đó, như vậy sẽ có ích hơn rất nhiều so với việc đọc từ đầu tới cuối, rảnh lúc nào là lại tiếp tục đọc phần mình đang đang dừng giữa chừng.
 
Đọc nhanh, nghĩa là đọc hết một cuốn sách trong khoảng 1-2 tiếng đồng hồ, phương pháp này đòi hỏi phải phân loại và lựa chọn sách theo nhu cầu cá nhân.
 
Chẳng hạn, có những cuốn sách không cần phải đọc kĩ từ đầu tới cuối, nếu thấy chương nào hoặc đoạn nào có ích với mình, hãy chọn ra và đọc thật kĩ, còn những phần còn lại có thể đọc lướt qua, đây chính là phương pháp đọc nhanh.
 
Có thể sẽ có người nói đọc nhanh như vậy liệu có học được gì không? Tất nhiên là có thể, với một cuốn sách mà nói, có thể chỉ có 20% nội dung là cốt lõi, 80% nội dung còn lại chỉ là bổ sung hoặc cung cấp thêm luận cứ cho 20% kia, vì vậy, khi chúng ta đọc hiểu, đọc thông 20% nội dung cốt lõi, thứ mà chúng ta thu được hoàn toàn không kém hơn so với đọc cẩn thận một cuốn sách từ đầu tới cuối.
 
Đọc theo chủ đề, nghĩa là đọc sách của cùng một tác giả hoặc cùng một lĩnh vực, đây có thể gọi là phương pháp đọc mở rộng, cũng có thể hiểu là một gia đoạn cao cấp hơn của việc đọc sách.

Ảnh hưởng của việc đọc sách với một người!
 
Sỡ dĩ nói đọc sách là con đường tắt dẫn tới thành công nhanh nhất của một người đó là bởi đọc sách tạo ra 3 ảnh hưởng lớn tới người đọc.
 
Thứ nhất, nhận biết bản thân một cách rõ nét hơn.
 
Khi bạn xem đọc sách là một thói quen, nó không chỉ giúp bạn nâng cao nhận thức, tăng thêm kiến thức mà nó còn giúp bạn trả lời được rất rõ nét câu hỏi: "Bạn là ai? Bạn giỏi cái gì? Bạn muốn tạo ra giá trị gì cho xã hội này?
 
Thứ hai, giúp hình thành thói quen tự giác kỉ luật.
 
Muốn hình thành thói quen tốt, có thể bắt đầu từ việc mỗi ngày dành ra 5 phút thời gian đọc kiểu phân mảnh, việc này không chỉ thôi thúc sự tự giác kỉ luật, mà còn ép bản thân ngày một chăm chỉ hơn.
 
Thứ ba, kết hợp "đầu vào" và "đầu ra".
 
Đọc sách giống như đi du lịch vòng quanh thế giới, giống như đang trò chuyện với một vĩ nhân, đem những thứ đọc áp dụng vào cuộc sống đời thường, đó chính là thứ mà một người đọc sách hướng tới.
 
Bất kể là làm gì, từ công việc cho tới những hoạt động hàng ngày, nếu làm có phương pháp, có trình tự, có khoa học, có logic, mọi việc sẽ suôn sẻ hơn rất nhiều, đọc sách cũng không phải ngoại lệ.
 
Tự khám phá cho mình một phương pháp đọc riêng, rồi bạn sẽ tìm thấy hứng thú ở một việc tưởng chừng như rất khô khan này, quả ngọt mà bạn sẽ được hái chắc chắn cũng sẽ khiến bạn bất ngờ.

Nguồn: Cafebiz

FSB tổ chức lễ Khai giảng trực tuyến với hơn 50 học viên FeMBA tại Cần Thơ và Đà Nẵng.

Chủ động tiếp cận kiến thức, học tập liên tục, hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong tình hình đại dịch với những diễn biến phức tạp luôn được FSB ưu tiên hàng đầu.
 
Distance Learning được FSB triển khai trong đào tạo mang lại nhiều hiệu quả tích cực
 
Cuối tuần vừa qua, Chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh FeMBA của Viện Quản trị & Công nghệ FSB, Đại học FPT chính thức khai giảng với hơn 50 học viên của FSB Cần Thơ và Đà Nẵng.
 
Lễ khai giảng năm nay do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid, đã được FSB tổ chức theo hình thức kết nối online thông qua nền tảng công nghệ Google Meeting. Tham dự buổi lễ có sự tham dự của Viện trưởng FSB – TS. Nguyễn Việt Thắng, Trưởng Ban đào tạo FSB – thầy Hà Nguyên và các học viên là những nhà quản trị, lãnh đạo, chủ doanh nghiệp là học viên MBA. 
 
Google Meeting cũng là 1 trong các hình thức đào tạo được FSB áp dụng vừa góp phần đảm bảo những quy định về an toàn hiện nay và Distance Learning cũng được đánh giá cao vì những buổi học không bị gián đoạn cho dù ở bất cứ đâu, đồng thời tạo điều kiện để học viên ở bất kỳ cơ sở nào cũng có thể tiếp cận kiến thức như nhau và lĩnh hội tri thức từ các giảng viên, chuyên gia quốc tế mà không chịu bất kỳ giới hạn nào.
 
Tại buổi chia sẻ trước khi chính thức gia nhập chương trình MBA, FSB đã giới thiệu sơ lược với học viên FEM#60CT và FEM#59DN về các nội dung cốt lõi trong quá trình học: Chương trình đào tạo và phương pháp học tập tại FSB. Các nền tảng hỗ trợ quá trình học tập: app MyFSB+, LMS, AP, QR Code, …Giải đáp những câu hỏi và thắc mắc: các hoạt động ngoài giờ, kết nối học viên, cựu học viên, hình thức học tập outsite,…
 
​TS. Nguyễn Việt Thắng gửi lời chúc tốt đẹp đến các tân học viên FEMBA
 
TS. Nguyễn Việt Thắng cũng nhắn gửi đến tất cả anh chị học viên FeMBA: “Khi tham gia chương trình ngoài kiến thức được chia sẻ từ giảng viên, với điểm mạnh về networking, các anh chị sẽ tiếp tục có cơ hội phát huy quan hệ giữa bạn học trong lớp, bạn học trong chương trình hoặc với cựu học viên. Học viên FSB đến từ nhiều ngành nghề khác nhau: ngân hàng, công nghệ thông tin, bất động sản, cảng, …, FSB tin rằng mối quan hệ, kết nối này sẽ là lòng tin để các học viên của mình phát triển kinh doanh, doanh nghiệp trong tương lai”.
 
Cuối cùng, Viện trưởng chúc các nhà quản trị: “Trong 2 năm tới, cùng nhau học, cùng hòa mình với các đồng môn, trải nghiệm, vận dụng thời gian thật tốt, thật ý nghĩa để khi kết thúc, chúng ta sẽ luôn tự hào với tấm bằng MBA nhận được.”.

Tin FSB

 

Đầu tư doanh nghiệp “vào mùa”

Các doanh nghiệp trên khắp thế giới đang trong cơn sốt đầu tư chưa từng có.

Nhân viên Amazon kiểm tra một robot nhà kho.

Trong một cuộc họp gần đây với các nhà đầu tư, Brian Olsavsky, Giám đốc Tài chính Amazon, tuyên bố chi phí vốn (capex) của doanh nghiệp này, như đầu tư vào việc mở rộng logistics và trung tâm dữ liệu, đã tăng tới 80% trong 12 tháng qua. 
 
Không chỉ Amazon, hàng loạt doanh nghiệp đều tuyên bố sẽ tăng mạnh đầu tư trong năm nay và những năm tới. Apple (Mỹ) sẽ đầu tư 430 tỉ USD tại Mỹ trong giai đoạn 5 năm, tăng 20% so với kế hoạch trước đó. Giới phân tích ước tính capex của Samsung (Hàn Quốc) sẽ tăng 13% năm nay sau khi đã tăng 45% vào năm 2020. TSMC (Đài Loan), nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, cũng công bố sẽ đầu tư 100 tỉ USD vào sản xuất trong vòng 3 năm tới. Đáng chú ý là các chuyên gia phân tích cho rằng cơn sốt đầu tư này chỉ mới bắt đầu. 
 
Nhà nhà chi tiêu 
 
Khi các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội được dỡ bỏ tại nhiều nước giàu, cùng với việc phổ biến vaccine, người dân đang được tự do ra ngoài và chi tiêu thỏa thích. Các nhà hàng ở Úc đang đông nghẹt người trở lại. Các trung tâm mua sắm ở Mỹ đang đầy ắp người mua sắm, một phần nhờ gói kích thích kinh tế của chính phủ nước này. Các rạp chiếu phim ở Anh cũng chật kín người xem kể từ được phép mở cửa trở lại giữa tháng 5.2021. 

Các doanh nghiệp cũng đang lao vào cơn sốt đầu tư vốn. Tại Mỹ, capex của các doanh nghiệp đang tăng với tốc độ hằng năm 15%, không chỉ đầu tư vào nhà xưởng, máy móc thiết bị mà cả các tài sản vô hình như phần mềm. Tại nhiều nước khác, capex cũng tăng cao. 
 
Có thể nói, triển vọng đầu tư doanh nghiệp trên toàn cầu chưa bao giờ xán lạn như lúc này. Các chuyên gia phân tích tại Morgan Stanley dự báo “một chu kỳ capex nóng sốt”. Oxford Economics cũng cho rằng “nay là thời điểm rất thích hợp cho một cơn sốt capex”, trong khi IHS Markit dự báo đầu tư cố định thực trên toàn cầu sẽ tăng hơn 6% trong năm nay. 
 
Thái độ lạc quan này là một sự thay đổi hoàn toàn so với trước thời điểm dịch bệnh. Tại Mỹ, tỉ trọng tổng đầu tư doanh nghiệp nội địa trong GDP đã ì ạch kể từ đầu thập niên 1980. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, phải mất hơn 2 năm để đầu tư toàn cầu, theo giá trị thực, lấy lại mức đỉnh trước đó. Ngược lại, mặc dù đầu tư giảm sâu vào lúc dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, nhưng lần này capex đã phục hồi nhanh hơn. Triển vọng sáng sủa của capex hứa hẹn nền kinh tế toàn cầu sẽ không phải rơi vào tình cảnh đã từng xảy ra vào thập niên 2010 – thời kỳ tăng trưởng năng suất sản xuất và GDP ì ạch, chưa thể lấy lại phong độ như trước thời điểm khủng hoảng. 
 
Các nhà phân tích tin rằng cơn sốt capex sẽ còn kéo dài. Lấy ví dụ ở nhóm doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500. Trong một báo cáo gần đây, Bank of America đã phân tích kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này từ năm 2006 và kết luận rằng thời điểm hiện tại, các nhà điều hành đang lạc quan nhất về capex. The Economist cũng phân tích 25 doanh nghiệp phi tài chính lớn nhất trong S&P 500 và nhận thấy kỳ vọng của giới phân tích về capex năm 2021 đã tăng 10% trong năm vừa qua.

Cơn sốt sẽ kéo dài?
 
Hiện tại, sự khởi sắc về đầu tư chỉ tập trung ở một số ngành nghề. Các công ty công nghệ toàn cầu dự kiến sẽ tăng capex 42% năm nay, tương đương với năm 2019, vì đại dịch đã tạo ra những nhu cầu mới. Có thể thấy mua sắm ngày càng lên online, xu hướng làm việc ở nhà cũng gia tăng. Vì thế, rất cần đầu tư phần mềm và thiết bị mới để các hoạt động kinh doanh được cách trôi chảy. Báo cáo gần đây của Nicholas Bloom thuộc Đại học Stanford và Steven Davis cùng với Yulia Zhestkova của Đại học Chicago cũng cho thấy sự gia tăng đáng kể về số hồ sơ xin cấp bản quyền sáng chế các công nghệ làm việc từ xa. 
 
Không chỉ khối công nghệ, các doanh nghiệp bán lẻ cũng rất tích cực gia tăng capex. Target và Walmart tìm cách bắt kịp tốc độ bành trướng của các gã khổng lồ bán lẻ online đang ăn vào thị phần của họ. Marks & Spencer (Anh) gần đây công bố đã ra mắt 46 website mới ở các thị trường nước ngoài từ Iceland đến Uzbekistan.
 
Các nhà bán lẻ khác như Peloton đang đẩy mạnh đầu tư để mở rộng năng suất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang tăng cao từ ghế trường kỷ cho đến bồn tắm. Maersk, một hãng vận tải biển, gần đây cho biết sẽ mua thêm nhiều container hơn để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa. 
 
Một câu hỏi lớn là liệu cơn sốt capex này có kéo dài? Không phải tất cả các doanh nghiệp đều đang tăng mạnh đầu tư. Phân tích của The Economist cho thấy khoảng 50% các công ty trong S&P 500 dự kiến sẽ không đầu tư nhiều hơn vào năm 2021 so với mức của năm 2019. Các công ty dầu khí toàn cầu thậm chí đang cắt giảm 1/10 so với mức đầu tư trước thời điểm dịch bùng phát. Các hãng hàng không và công ty khai thác tàu du lịch cũng đang giảm chi tiêu vì cho rằng sẽ mất một khoảng thời gian dài nữa để du khách đi lại thoải mái. Doanh nghiệp trong ngành nguyên liệu thô hay hàng hóa công nghiệp cũng siết lại chi tiêu vốn. 

Dù vậy, điều kiện kinh tế hiện nay có thể thuyết phục các doanh nghiệp đang do dự sẽ phải mở rộng hầu bao. Có thể thấy, các hộ gia đình có sức chi tiêu cao với lượng tiền tiết kiệm không nhỏ. Gói kích thích kinh tế ở nhiều nước cũng cho phép doanh nghiệp huy động thêm tiền. Bằng chứng là phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp Mỹ được xếp hạng đầu tư đã tăng lên con số kỷ lục 1.700 tỉ USD trong năm 2020, từ mức 1.100 tỉ USD của năm 2019, theo S&P Global Market Intelligence.
 
Quan trọng hơn, đại dịch đang đưa cả thế giới bước vào một thời đại công nghệ bùng nổ. Việc triển khai nhanh chóng các mô hình kinh doanh hoàn toàn mới khi COVID-19 bùng phát có thể nhắc nhở các ông chủ doanh nghiệp về những trái ngọt của cải tiến và đổi mới. 
 
Tất cả những điều này khiến nhiều người tin tưởng kế hoạch capex của các doanh nghiệp trên toàn cầu trong năm tới thậm chí sẽ còn tham vọng hơn so với năm nay. Các chuyên gia phân tích tại Morgan Stanley ước tính đầu tư toàn cầu sẽ tăng vọt, bằng 121% mức đầu tư trước thời kỳ suy thoái vào cuối năm 2022.

Nguồn: NCĐT