Ông Trương Gia Bình: Đại dịch tạo thời thế cho FPT

Ông Trương Gia Bình cho rằng bối cảnh hiện tại là một giai đoạn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên điều này lại tạo ra thời thế cho FPT.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT chia sẻ trước cổ đông trong phiên họp thường niên ngày 8/4. Ảnh: Minh Sơn.

Thông lệ những năm gần đây, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình sẽ dành một phần của phiên họp thường niên để chia sẻ với cổ đông về định hướng hoạt động công ty. Năm nay, người đứng đầu FPT cũng nói về những thay đổi của tập đoàn trong năm đại dịch 2020 với nhiều thách thức và mục tiêu cho ba năm tới.
 
Với thương chiến Mỹ-Trung, đại dịch Covid-19, các hệ thống trật tự cũ bị phá vỡ, cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra với tốc độ rất nhanh, ông Bình nói bối cảnh hiện tại là một giai đoạn nhiều khó khăn và thách thức, tuy nhiên điều này lại tạo ra thời thế cho FPT. "Thời gian đang đứng về phía FPT", ông Bình khẳng định.
 
Ông Bình cho rằng dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề lên kinh tế, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn, từ bán hàng cho tới tài chính, nên các doanh nghiệp đang phải áp dụng sách lược "Do more with less" (làm nhiều với chi phí thấp). Chính điều này đã tạo ra cơ hội cho FPT. "FPT chính là tổ chức có thể cạnh tranh với bất kỳ ai về chiến lược này", ông Bình nhấn mạnh.
 
Ông kể, năm rồi có một công ty ôtô hàng đầu nước Mỹ quyết định chọn một đối tác để thực hiện chuyển đổi số. Nếu trong bối cảnh trước dịch, khối lượng công việc khổng lồ này sẽ được chia thành nhiều đầu việc, với nhiều đối tác thực hiện. Nhưng giai đoạn này, họ muốn xử lý với mức chi phí tối thiểu, và gói thầu 150 triệu USD cho toàn bộ lượng công việc này trở thành cuộc đua của 193 công ty, FPT là một trong số đó. "Trong số này có những tên tuổi mà chúng tôi ngưỡng mộ từ lâu, như IBM (Mỹ), Tata (Ấn Độ) và chúng tôi đã thắng cuộc đua đó", ông Bình nói.
 
Công ty của Mỹ sau cùng chọn ra ba đối tác để thực hiện khối lượng công việc trị giá 150 triệu USD này. Nếu công ty được chọn không làm được thì chuyển cho các vị trí tiếp theo. "Từ đầu năm đến giờ, chúng tôi chưa phải chuyển phần công việc nào cho các đối tác khác", ông Bình chia sẻ.
 
Gói thầu này chỉ là một trong ba hợp đồng trị giá trên 100 triệu USD mà FPT giành được trong năm 2020, điều chưa từng xuất hiện trước khi đại dịch xảy ra. "Những người muốn 'Do more, with less' trong quá khứ, họ không muốn giao những hợp đồng to như vậy cho Việt Nam, cho FPT, nhưng hiện nay đã chứng minh điều này là có thể. FPT không chỉ trưởng thành về quy mô, về công nghệ mà còn có thể làm từ A-Z cho các tập đoàn", ông Bình nói.

Chính những thay đổi này, theo ông Bình sẽ giúp mọi người thay đổi suy nghĩ về FPT. "Đến nay, nhiều người vẫn nhắc FPT là một công ty gia công phần mềm bình thường. Nhưng thực tế không phải như vậy", ông Bình khẳng định.
 
FPT nhận "giải cứu" sàn HoSE là một ví dụ về khả năng tự chủ công nghệ. Ngoài ra, nhờ những robot của FPT mà một nhà băng trong ba năm gần đây không tăng nhân sự nhưng tạo ra lợi nhuận gấp ba lần. Một robot có thể thay thế 45 người, ngân hàng này đã mua 75 robot của FPT và năm nay sẽ mua thêm 135 robot nữa.
 
Những thay đổi này chứng minh FPT đã bắt đầu trở thành công ty cung cấp các công cụ cho chuyển đổi số, không chỉ đơn thuần là cung cấp dịch vụ. Tập đoàn còn làm ra nhiều nền tảng khác nhau từ giáo dục, y tế, giao thông… Vấn đề hiện nay là phải đi cùng với các doanh nghiệp khác để tạo ra hệ sinh thái về chuyển đổi số.
 
Năm 2021, FPT đặt mục tiêu doanh thu đạt 34.720 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.210 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 16,4% và 18% so với cùng kỳ. Tập đoàn tiếp tục tập trung cung cấp các giải pháp công nghệ mới, chuyển đổi số toàn diện, đồng thời, chú trọng phát triển các giải pháp Made by FPT, có thêm ít nhất 10 sản phẩm, giải pháp mới mỗi năm.
 
Lãnh đạo FPT cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo đổi mục tiêu dài hạn vào Top 50 công ty hàng đầu thế giới về cung cấp chuyển đổi số vào năm 2030. Đồng thời, xác định chuyển đổi số tiếp tục là trọng tâm trong chu kỳ phát triển tiếp theo và hứa hẹn mang về nguồn thu bền vững trong dài hạn.
 
Giải thích về biên lợi nhuận mảng phần mềm trong nước thấp, ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám đốc FPT cho biết đặc thù các dự án tại Việt Nam có thêm cả phần cứng khiến biên lợi nhuận thấp. Trong khi đối với thị trường nước ngoài, các dự án công nghệ thông tin chỉ là phần mềm nên thường có biên lợi nhuận cao hơn. Trong ba năm tới, FPT đặt mục tiêu đạt biên lợi nhuận mảng phần mềm với thị trường trong nước khoảng 10%.

(Nguồn: VnExpress)

FSB chinh phục được khách hàng Top 100 Doanh nghiệp Việt!

Viện Quản trị & Công nghệ FSB chính thức triển khai Chương trình đào tạo “Nâng cao năng lực quản trị điều hành doanh nghiệp” dành riêng cho cán bộ lãnh đạo cấp cao Công ty Cổ phần Hàng không VietJet Air vào tháng 5/2021. Vietjet Air được đánh giá là một trong những khách hàng “khủng” khi FSB trong giai đoạn mới, chuyển mình sang “FSB mới”.
 

Chương trình đào tạo được FSB thiết kế dành riêng cho đối tượng học viên là thành viên Ban lãnh đạo, Giám đốc chi nhánh/đơn vị thuộc VietJet Air. Trong hơn 50 buổi học (tương đương 25 ngày), các học viên Vietjet Air sẽ được các giảng viên, chuyên gia cao cấp của FSB cung cấp cho những kiến thức cập nhật, bổ sung các kỹ năng quản trị ưu việt và xu hướng kinh doanh hiện đại tại Việt Nam cũng như thế giới.
 
Sau khi kết thúc khóa học, các nhà quản trị sẽ được trang bị kiến thức, tư duy của một nhà lãnh đạo hiện đại, đa chức năng, xây dựng được chiến lược và kế hoạch giúp doanh nghiệp trụ vững trong môi trường kinh doanh 4.0 – liên tục cạnh tranh và phát triển không ngừng. Bên cạnh đó, với thế mạnh của Tập đoàn công nghệ số 1 tại Việt Nam, FPT cũng tập trung ở các nội dung Chuyển đổi số và ứng dụng chuyển đối số tại Doanh nghiệp một phần nào đó góp phần đưa Vietjet Air gia tăng lợi thế cạnh tranh và các giải pháp ứng biến trong kinh doanh thời VUCA.

– – –

Vietjet Air là hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam vận hành theo mô hình hàng không thế hệ mới, chi phí thấp, đi đầu trong các ứng dụng công nghệ với website bán vé hiện đại, thân thiện. VietJet tham gia vào lĩnh vực kinh doanh hàng không năm 2017 thực sự đã làm thay đổi bức tranh thị trường hàng không ở Việt Nam rất mạnh và đặc biệt gây được tiếng vang lớn khi được Tạp chí Forbes (Mỹ) công bố danh sách tỷ phú đô la của thế giới năm 2021. Việt Nam lần đầu tiên có 6 đại diện, trong đó CEO của Vietjet là một trong 6 đại diện đó.

Tin FSB

Khi đại sứ thương hiệu vướng sự cố truyền thông

Các doanh nghiệp cũng "đứng ngồi không yên" khi người nổi tiếng đang là đại sứ truyền thông của họ bị vướng vào sự cố/khủng hoảng truyền thông.

Nhiều người nổi tiếng trong nước và thế giới đã vướng vào các vụ lùm xùm
 
Để được nhiều người biết đến, influencer marketing (marketing thông qua người nổi tiếng) là kênh được nhiều doanh nghiệp sử dụng. Sự nổi tiếng, sự dễ nhận biết, cảm tình của cộng đồng người hâm mộ là yếu tố giúp thương hiệu lan truyền mạnh mẽ và có lợi thế trong cạnh tranh, bán hàng. 
 
Tuy nhiên, không ai hoàn hảo, đại sứ thương hiệu có thể gặp sự cố truyền thông, thậm chí là scandal. Nếu doanh nghiệp đang ở trong quá trình xây dựng nhận diện thương hiệu thì việc đại sứ thương hiệu xảy ra scandal cũng có thể góp phần khiến công chúng biết đến thương hiệu nhiều hơn, nhất là khi sự việc xảy ra không đi ngược lại các giá trị của nhóm khách hàng mục tiêu.
 
Doanh nghiệp cần làm gì?
 
Trước khi xác định nên làm gì, doanh nghiệp cần xác định lỗi thuộc của đại sứ thương hiệu nghiêm trọng đến đâu và lĩnh vực mà lỗi mắc phải thuộc về. Đó có thể là tính mạng con người (gây tai nạn, giết người), vi phạm pháp luật (buôn lậu, đi xe quá tốc độ), thuần phong mỹ tục (ngoại tình, gây gổ nơi công cộng), lĩnh vực chuyên môn (nghi án đạo nhạc, ứng xử với đồng nghiệp) hay cá nhân (tranh cãi trong gia đình, phát ngôn thiếu chuẩn mực)…
 
Sau đó, tuỳ vào tính độ lượng của xã hội vào thời điểm ấy cũng như phản ứng của công chúng với lỗi lầm ấy để ra quyết định. 
 
Ví dụ, đại sứ thương hiệu có thể mắc phải một lỗi lầm bị công chúng lớn tuổi phản đối dữ dội nhưng những khách hàng trẻ tuổi lại không coi đây là việc nghiêm trọng. Vậy thì nhãn hàng hướng tới đối tượng trẻ tuổi sẽ không phải phản ứng thái quá như cắt hợp đồng thương hiệu. Hoặc nếu khách hàng mua chủ yếu vì giá rẻ hay khuyến mại thì việc im lặng trước scandal không nghiêm trọng và việc tiếp tục giảm giá, làm chương trình khuyến mại vẫn có thể giữ được thị trường. 
 
Tuy nhiên, cũng cần tránh quảng bá trong một vài tuần để không gây ra phản ứng khiêu khích đối với các anti-fan, hoặc xã hội nói chung. Phản ứng của nhãn hàng cũng phụ thuộc vào việc nhãn hàng đang ở giai đoạn xây dựng nhận biết thương hiệu, đẩy mạnh bán hàng hay giữ thị phần, sắp IPO hay không.
 
Khi đại sứ "dính" scandal, nên dùng tiếp hình ảnh hay nên bỏ?

Nhìn chung, các thương hiệu thường tránh việc "dính dáng" đến những người nổi tiếng đang gặp rắc rối. Tuy nhiên, ầm ĩ không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với không tốt. Một thương hiệu rượu vẫn mời một cô người mẫu tới dự sự kiện trong khi cô đang gặp rắc rối về danh tiếng do ẩu đả với một cô bạn. 
 
Tất cả phụ thuộc vào lỗi mà người nổi tiếng mắc phải là gì và có bị khách hàng, công chúng mục tiêu đánh giá là nghiêm trọng hay không. Với người uống rượu thì một cô gái có ẩu đả hay không không liên quan tới quyết định của họ. Với khách hàng cuối cùng của Thơ Nguyễn là các em nhỏ, lỗi của youtuber này mắc phải có lẽ không quá nghiêm trọng. Không phải bố mẹ nào cũng biết vụ việc này hoặc coi đây là một lỗi nghiêm trọng có thể hủy hoại con cái họ. 
 
Thế nên tính đi tính lại, vẫn có các thương hiệu chấp nhận nguy cơ để tiếp tục làm việc với người nổi tiếng đang bị vướng vào rắc rối. Ngoài ra, các thương hiệu cũng được cổ vũ hành xử như con người, nhân văn và có trách nhiệm, người ta không bỏ rơi bạn mình trong khó khăn. Một thương hiệu cũng không bỏ rơi đối tác, đại sứ của mình trong khó khăn.
 
Khi có động thái tẩy chay từ người tiêu dùng, các doanh nghiệp có thể vẫn kiên trì giữ vững quan điểm và tiếp tục sử dụng các hình ảnh quảng cáo đó, nếu như điều xảy ra phù hợp với các giá trị của doanh nghiệp, hoặc hướng đến các giá trị nhân văn, phổ quát như bình đẳng giới, nhân quyền, bảo vệ môi trường, chống lạm dụng… Thậm chí trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp lại dùng nó như một chiêu thức quảng bá hiệu quả. 
 
Một số thương hiệu đã áp dụng thành công ''chiêu thức'' này. Chẳng hạn, khi đưa ra sản phẩm dành cho người đồng tính, Adidas gặp một số phản đối, nhưng họ vẫn kiên trì bảo vệ ý tưởng vì cho rằng mình đang bảo vệ một giá trị nhân văn là không phân biệt đối xử giới tính. California Fitness không bỏ việc sử dụng hình ảnh Hồ Ngọc Hà khi cô vướng scandal tình cảm nhưng vẫn mang lại hình ảnh trẻ trung, sang trọng và khỏe khoắn.
 
Tuy nhiên, việc tiếp tục sử dụng hình ảnh của đại sứ thương hiệu khi ''dính'' scandal được xem như con dao hai lưỡi. Nhiều nhãn hàng đã lập tức dừng hợp đồng với các ngôi sao trong trường hợp này. 
 
Ví dụ như scandal tình ái xảy ra năm 2010 của tay golf huyền thoại Tiger Woods đã khiến vận động viên này mất đi hàng triệu USD hợp đồng quảng cáo, khi bị Gillette, Accenture, AT&T và Gatorade cắt hợp đồng. Điều tương tự cũng xảy ra với Kate Moss khi cô dính scandal sử dụng ma túy và hình ảnh không còn được hàng loạt nhãn hiệu thời trang H&M, Chanel, Burberry sử dụng.
 
Nổi tiếng dễ đi đôi với tai tiếng
 
Khi dùng hình ảnh người nổi tiếng để tăng nhận biết về thương hiệu và sản phẩm, hỗ trợ bán hàng, các doanh nghiệp cũng phải chấp nhận nguy cơ bị ảnh hưởng tới hình ảnh thương hiệu bởi không có ai là hoàn hảo. 
 
Có một nguyên tắc trong ngành truyền thông là nếu điều bạn nói ra không hay hơn điều đang được người ta nói thì đừng nói ra. Thế nên các nhãn hàng không nên nói gì cả. Ai cũng có lỗi nên khi mắc lỗi thì người ta cũng phải tạo điều kiện cho người mắc lỗi quay lại.
 
Ngoài ra, nhiều khi sai lầm còn xảy ra không phải do đại sứ thương hiệu mà do tai nạn hoặc do liên đới hình ảnh. Bởi vậy các doanh nghiệp nên đa dạng hoá kênh truyền thông và kỹ càng, tỉ mỉ trong đàm phán hợp đồng với người đại diện hình ảnh, cần có điều khoản ràng buộc họ phải có trách nhiệm giữ gìn hình ảnh cá nhân.

Ronaldinho từng bị hủy hợp đồng tài trợ trị giá 750.000 USD vì chụp ảnh với sản phẩm của Pepsi trong một cuộc họp báo
 
Trước đây, điều này có thể khó khăn, nhưng với việc các vụ khủng hoảng hình ảnh cá nhân của các đại sứ thương hiệu xảy ra liên tiếp trên thế giới và ở Việt Nam, các nhãn hàng cần đưa nội dung về chấm dứt hợp đồng với đại sứ thương hiệu trong trường hợp xảy ra scandal vào hợp đồng. 
 
Ngôi sao bóng đá Ronaldinho bị Coca-Cola cắt hợp đồng gần 1 triệu USD chỉ vì chụp ảnh với sản phẩm của Pepsi trong một cuộc họp báo. Nữ diễn viên Charlize Theron – đại sứ thương hiệu của hãng đồng hồ Raymond Weil – đã bị cắt hợp đồng khi bị bắt gặp đang đeo sản phẩm của Dior nơi công cộng.
 
Số liệu kinh doanh sẽ cho thấy quyết định nào hợp lý hay không. Cá nhân tôi nghĩ rằng, nhiều thương hiệu cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu về hình ảnh cũng như doanh số khi đại sứ thương hiệu vướng sự cố/khủng hoảng truyền thông, nhưng rồi sẽ sớm vượt qua. 
 
Vấn đề cốt yếu nhất là sản phẩm phải tốt và đã có danh tiếng, đã nằm trong thói quen của người tiêu dùng, có như vậy họ mới quyết định tiếp tục dùng sản phẩm ấy. Trừ phi, sản phẩm bị cho là kém chất lượng về mặt vật lý hoặc gây nguy hiểm tới sức khỏe của người tiêu dùng. Với các sản phẩm/dịch vụ sang trọng, lỗi của đại sứ thương hiệu sẽ bị nhìn nhận khắt khe hơn và thiệt hại nhãn hàng phải chịu cũng cao hơn.

(Nguồn: The Leader)

​“Điểm mù” quản lý khiến các ngân hàng phố Wall gánh lỗ 10 tỷ USD

Những lỗ hổng trong hệ thống giám sát và quản lý rủi ro khiến các ngân hàng hàng đầu Phố Wall "tiếp tay" cho cú lừa hàng trăm tỷ USD. Những nhà băng này hiện chịu thiệt hại lớn.

Thị trường chứng khoán Mỹ chấn động vì bê bối của quỹ đầu tư Archegos. Ảnh: Reuters.
 
Trước vụ vỡ nợ gây chấn động phố Wall, quỹ đầu tư Archegos Capital Management – do nhà giao dịch Mỹ gốc Á Bill Hwang sáng lập – vay hàng tỷ USD để mua cổ phiếu hàng loạt công ty.
 
Các ngân hàng và công ty tài chính lớn như Nomura (Nhật Bản) hay Credit Suisse (Thụy Sĩ) là đối tượng tiếp vốn cho Archegos. Tuy nhiên, theo Bloomberg, các nhà băng không thể kiểm soát được quy mô đầu tư quá lớn và quá mạo hiểm của Bill Hwang.
 
Khi ván cược tài chính của Archegos vào ViacomCBS (Mỹ) sụp đổ, những lỗ hổng trong hệ thống giám sát và quản lý rủi ro của các ngân hàng và công ty tài chính bị phơi bày hoàn toàn.
 
"Điểm mù" hệ thống
 
Khi những cổ phiếu được Archegos nắm giữ giảm giá xuống dưới ngưỡng an toàn (so với tài sản đảm bảo của công ty), các nhà môi giới có thể kích hoạt lệnh tăng tài sản ký quỹ (margin call), yêu cầu công ty nạp thêm tiền hoặc tài sản thế chấp vào tài khoản.
 
Nếu nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu, các nhà môi giới sẽ bán cổ phiếu hoặc tài sản mà công ty nắm giữ. Kịch bản này khiến Archegos vỡ nợ và kích hoạt đà giảm giá mạnh của các cổ phiếu được Archegos đầu tư. Giá cổ phiếu ViacomCBS lao dốc không phanh sau sự cố.
 
Vụ bê bối đặt ra một câu hỏi lớn. Đó là Archegos đã làm cách nào để vay khoản vốn khổng lồ từ các nhà băng. Câu trả lời có thể nằm ở cấu trúc của công ty. Archegos hoạt động như một văn phòng gia đình – công ty tư nhân giúp quản lý tài sản của các cá nhân giàu có.
 
Do vậy, ông Hwang có thể sử dụng công cụ phái sinh để đặt cược và không phải tiết lộ nhiều thông tin như những nhà đầu tư tổ chức khác. Theo nguồn tin của Bloomberg, quỹ đầu cơ vô danh của ông Hwang đã tạo ra một danh mục đầu tư trị giá 100 tỷ USD.
 
Các nhà băng trở thành công cụ cho Archegos thực hiện hàng loạt vụ cá cược liều lĩnh. Điều đó phơi bày những "điểm mù" khiến hệ thống ngân hàng không thể quản lý rủi ro một cách hiệu quả.
 
Các nhà quản lý đang đưa ra những gợi ý về các quy định mới. Chẳng hạn, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cho biết họ có thể yêu cầu quỹ đầu cơ công khai giao dịch, tìm cách giải quyết rủi ro và đòn bẩy tài chính (đòn bẩy là thuật ngữ để chỉ hiện tượng sử dụng nợ để thu lợi nhuận trên tài sản).
 
Các giám đốc điều hành tài chính cấp cao cũng thừa nhận rằng việc siết chặt quản lý là không thể tránh khỏi. Một số ngân hàng và công ty tài chính đã tiết lộ khoản lỗ hàng tỷ USD sau khi Archegos vỡ nợ. Tuy nhiên, họ không sẵn sàng bình luận về lý do và cách thức giúp quỹ đầu cơ có được khoản đầu tư khổng lồ.
 
Rõ ràng, các hãng môi giới như Nomura Holdings Inc., Goldman Sachs Group Inc., Morgan Stanley, Credit Suisse đã có manh mối về những vụ đặt cược liều lĩnh của ông Hwang. Họ biết những giao dịch, một số có thể nắm thông tin tổng khoản vay của Archegos.
 
Tuy nhiên, các nhà băng không thể biết ông Hwang đầu tư vào cổ phiếu và tài sản của rất nhiều công ty, sử dụng hàng loạt đòn bẩy tài chính để mua cùng số cổ phiếu.
 
Sự cố phơi bày khả năng hạn chế của các nhà băng trong việc quản lý rủi ro. Họ không biết những khoản đầu tư sử dụng đòn bẩy quy mô lớn của cùng một khách hàng. Nhóm phân tích tại JPMorgan Chase & Co. ước tính các ngân hàng có thể chịu lỗ lên đến 10 tỷ USD.
 
Các giao dịch hoán đổi
 
Archegos được thành lập bởi nhà giao dịch Bill Hwang, người đứng sau vụ bê bối giao dịch nội gián tại quỹ đầu cơ Tiger Asia Management. Hồi năm 2012, ông Hwang nhận tội gian lận, bị kết án một năm quản chế và phải nộp lại 16 triệu USD.
 
Cùng năm đó, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) buộc tội ông, Tiger Asia Management và Tiger Asia Partners lũng đoạn cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc để thu lợi bất hợp pháp gần 17 triệu USD. Ông và các công ty sau đó phải trả 44 triệu USD để dàn xếp vụ kiện.

Theo Bloomberg, một phần lý do giúp ông Hwang che giấu khoản đầu tư quy mô lớn của Archegos là sử dụng các hợp đồng hoán đổi. Những giao dịch hoán đổi cho phép các nhà đầu tư như ông đầu tư cổ phiếu mà không cần công khai thông tin.
 
Hợp đồng hoán đổi còn cho phép nhà đầu tư nâng tỷ lệ đòn bẩy đáng kể đối với một danh mục. Để thực hiện một giao dịch hoán đổi, Archegos sẽ đặt một tỷ lệ phần trăm nhất định giá trị của đầu tư bằng tiền mặt làm tiền ký quỹ. Phần còn lại được tài trợ bởi hãng môi giới.

Nhà sáng lập người Mỹ gốc Á Bill Hwang của quỹ đầu tư Archegos Capital Management. Ảnh: Reuters.
 
Theo Bloomberg, ban đầu, một số nhà băng đã từ chối làm ăn với ông Hwang. Họ yêu cầu ông giảm bớt các khoản đầu tư. Tuy nhiên, nhà sáng lập Archegos không đồng ý. Nomura cho biết có thể lỗ tới 2 tỷ USD do tác động của "các giao dịch với một khách hàng Mỹ".
 
Credit Suisse cũng tiết lộ "thu nhập bị ảnh hưởng đáng kể" sau khi một khách hàng vỡ nợ vì hàng loạt lệnh margin call. "Hy vọng đây sẽ là một lời cảnh tỉnh để thúc đẩy sự thay đổi cần thiết ở các công ty này", Bloomberg dẫn lời ông David Herro, một trong những cổ đông lớn nhất của Credit Suisse, nhận định.
 
SEC đã mở một cuộc điều tra sơ bộ về các giao dịch của ông Hwang. Cơ quan này cũng đang kêu gọi những nhà đầu tư lớn khác đánh giá về việc sử dụng giao dịch hoán đổi và khả năng tiếp cận đòn bẩy từ các nhà môi giới hàng đầu.
 
"Một bóng đen quy định đang bao trùm ngành công nghiệp này", Bloomberg nhận định.

Nguồn: BizLIVE

Trường đào tạo Thạc sĩ của Việt Nam lọt Top 24 Đông Á

Viện Quản trị & Công nghệ FSB – trường Đại học FPT chính là trường đào tạo MBA tiên phong của Việt Nam được vinh danh ở vị trí Top 24 Đông Á trong bảng xếp hạng các trường đào tạo kinh doanh tốt nhất khu vực, theo công bố mới nhất của Tổ chức giáo dục toàn cầu Eduniversal.

>> Chi tiết: https://kenh14.vn/truong-dao-tao-thac-si-cua-viet-nam-lot-top-24-dong-a-20210326124805293.chn