Chinh phục được khách hàng gen Z là nắm bắt được tương lai

Gen Z – những người sinh ra khoảng cuối thập niên 1990 đến khoảng 2010, là nhóm nhân khẩu học kế tiếp sau thế hệ millennials (gen Y, sinh ra từ 1981-1996) và sẽ trở thành nhóm khách hàng quan trọng trong tương lai của mọi thương hiệu. Nắm bắt được gen Z đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ nắm bắt được tương lai.

Ông Nguyễn Anh Dũng, giám đốc cấp cao bộ phận Retail Intelligence của Nielsen Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị Thương hiệu 2020 của Forbes Việt Nam. 

“Đặc điểm nổi bật của gen Z là tính kết nối cao, sự cá nhân hóa và quen thuộc với công nghệ. Để chinh phục được thế hệ này, thương hiệu phải mang đến được điều gì đó riêng biệt,” ông Nguyễn Anh Dũng, giám đốc cấp cao bộ phận Retail Intelligence của Nielsen Việt Nam chia sẻ trong phần trình bày tại hội nghị Thương hiệu 2020 của Forbes Việt Nam chiều nay 17.12.

Câu chuyện xây dựng thương hiệu ở góc nhìn của chuyên gia lĩnh vực bán lẻ này chính là nhằm mục đích hướng đến người tiêu dùng. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nhiều khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp càng cần nhìn về tương lai. Khi đó, họ không thể bỏ qua nhóm người tiêu dùng gen Z (thế hệ Z), những người đang chiếm độ lớn đến 1/3 người tiêu dùng và sẽ dẫn dắt nhiều thay đổi trong kinh doanh thời gian tới.
 
Thực tế giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vừa qua càng chứng minh điều này khi chứng kiến sự lên ngôi của thương mại điện tử và nhấn mạnh tầm quan trọng của các nền tảng truyền thông xã hội. “Mà ai là người dẫn dắt các lĩnh vực này, chính là gen Z. Họ không phải là người có tiền ở hiện tại nhưng có quyền quyết định và tầm ảnh hưởng khi kéo cha mẹ mua một sản phẩm sữa trong siêu thị hay lựa chọn một nhà hàng…,” ông Dũng nói và khẳng định chỉ trong 5 năm nữa, thế hệ Z sẽ nhanh chóng chiếm phần đông trong tổng số người tiêu dùng Việt Nam.
 
So với thế hệ Y, sự khác biệt của thế hệ Z nằm ở chỗ họ được sống trong môi trường cởi mở hơn và có kinh tế gia đình tốt hơn. Bối cảnh đó có thể góp phần tạo ra đặc tính quan trọng của nhóm này là vui vẻ, lạc quan, ít lo âu và ít thận trọng hơn. Chẳng hạn, khi có quá nhiều sự lựa chọn, họ sẽ không đắn đo nhiều mà có xu hướng đưa ra quyết định nhanh chóng vì nghĩ rằng “chọn sai vẫn có thể chọn lại”.
 
Bên cạnh đó, khác với thế hệ Y thường nghĩ nhiều về việc “tôi là ai?”, “tôi muốn làm gì?”…, gen Z biết họ là ai, biết mình có thể làm gì, muốn là một phần của các giải pháp. Có thể nói, họ thực tế, tỉnh táo và trưởng thành hơn nhóm millennials. Họ cũng đặt các kỳ vọng cao hơn cho công việc, xem trọng tính an toàn và thông tin cá nhân.
 
Việc sống trong thời đại kết nối vốn có đầy đủ thông tin, gen Z cũng thể hiện mức độ trách nhiệm xã hội cao, như ý thức bảo vệ môi trường, và quan tâm đến những vấn đề sâu xa của thời đại như bình đẳng giới.
 
Chính những sự khác biệt đó khiến các thương hiệu phải thay đổi cách tiếp cận để chinh phục được nhóm khách hàng trẻ này, theo hướng tạo ra nhiều giá trị riêng biệt hơn. Để làm được điều đó theo ông Dũng, đầu tiên doanh nghiệp cần hiểu được hành vi và lối sống của nhóm này, cách họ sử dụng sản phẩm hoặc suy nghĩ về sản phẩm. Thứ hai, doanh nghiệp phải tạo ra sự gắn kết, đưa tính cá nhân hóa của họ vào các dự án sắp thực hiện. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải nắm bắt và đo lường được sự thay đổi của nhóm người tiêu dùng của tương lai này.
 
“Gen Z thường không trung thành, họ chỉ cho các thương hiệu một cơ hội. Không nắm bắt được cơ hội đó đồng nghĩa chúng ta sẽ mất đi tương lai. Không những không được bỏ qua nhóm này, thương hiệu phải “lôi kéo” họ. Chỉ trong một thời gian ngắn nữa gen Y sẽ về hưu, gen Z sẽ là người dẫn dắt những thay đổi tiếp theo”, ông Dũng khẳng định.

(Nguồn: Forbes Việt Nam)

FSB là trường đào tạo kinh doanh tốt nhất Việt Nam

Theo báo cáo năm 2020 mới công bố của Tổ chức Xếp hạng Giáo dục toàn cầu Eduniversal, Viện Quản trị kinh doanh và Công nghệ – FSB được vinh dự trở thành trường đào tạo kinh doanh tốt nhất Việt Nam.

>> Chi tiết: https://chungta.vn/kinh-doanh/fsb-la-truong-dao-tao-kinh-doanh-tot-nhat-viet-nam-1131626.html

Viện Quản trị & Công nghệ FSB – Đại học FPT tổ chức giải Golf cho học viên và cựu học viên

Viện Quản trị & Công nghệ FSB vừa qua đã tổ chức thành công FSB Golf Open 2020 – Giải Golf thường niên dành cho các học viên và cựu học viên của trường.

>> Chi tiết: https://cafef.vn/vien-quan-tri-cong-nghe-fsb-dai-hoc-fpt-to-chuc-giai-golf-cho-hoc-vien-va-cuu-hoc-vien-20201211211348795.chn

Viện trưởng FSB: “Được bình chọn là trường đào tạo kinh doanh tốt nhất Việt Nam, chúng tôi có rất nhiều việc để làm…”

Theo công bố mới nhất 2020 của Tổ chức xếp hạng giáo dục toàn cầu Eduniversal: FSB vinh dự trở thành trường đào tạo kinh doanh tốt nhất Việt Nam! Hãy cùng gặp gỡ Viện trưởng Viện Quản trị & Công nghệ FSB, Đại học FPT – Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng để cùng chia sẻ thêm về thành tích mới nhất này.
 
 
FSB là Trường đào tạo Kinh doanh tốt nhất Việt Nam theo xếp hạng của Eduniversal năm 2020
 
Phóng Viên(PV): Xin chào Viện Trưởng (VT). Xin chúc mừng Viện Quản trị & Công nghệ FSB đã xuất sắc giành được vị trí dẫn đầu trong Bảng xếp hạng mới nhất của Eduniversal. Với tư cách là người đứng đầu đại diện FSB, anh có đánh giá như thế nào về lần thăng hạng lần này của trường?
 
Viện Trưởng: Để nói về đánh giá chung thì tôi khá “bất ngờ”. Bởi suốt nhiều năm từ 2012, FSB luôn loanh quanh vị trí thứ 2, thứ 3. Năm nay là năm đầu tiên FSB giành được vị trí dẫn đầu. Bạn có thể thấy đó, điểm chấm cho FSB và trường Top 2 là bằng nhau (137 điểm), nhưng Eduniversal đã xếp FSB ở vị trí số #1. Eduniversal là sân chơi xếp hạng các trường Kinh doanh uy tín, thế nên việc đạt được thành tích dẫn đầu các trường Kinh doanh tốt nhất tại Việt Nam là một sự ghi nhận tích cực. Ngoài ra, nhìn ở góc độ chuyên biệt, chương trình MBA của FSB năm nay tiếp tục giữ vững vị trí top 24 trong xếp hạng các chương trình MBA tốt nhất Đông Á – thể hiện về chất lượng chuyên môn sâu chương trình đào tạo của FSB.
 
 
Viện Quản trị & Công nghệ FSB, Đại học FPT trong Top 30 trường học Việt Nam đào tạo Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh toàn thời gian khu vực Đông Á năm 2019 (hạng 24/30)
 
PV: Để có được thành tích nói trên, Ban lãnh đạo viện đã có những cải tiến như thế nào để đạt được thứ hạng này trong năm 2020 thưa anh?
 
Viện Trưởng: Không, chúng tôi đã không "cải tiến” gì để tăng hạng cả. Đây hoàn toàn do đánh giá khách quan của Eduniversal xếp hạng năm 2020 . Tổ chức giáo dục này không chỉ đánh giá các đơn vị giáo dục dựa trên bảng tiêu chí thông thường như tiêu chuẩn về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, sinh viên, nghiên cứu khoa học… mà họ còn sử dụng hình thức “Dean Vote” – 1000 Viện trưởng/Hiệu trưởng các trường Quản trị Kinh doanh nằm trong mạng lưới của Eduniversal sẽ “Vote kín” để đánh giá ngoài các chỉ số điểm "khô khan" còn có sự ảnh hưởng thương hiệu các trường kinh doanh trong cùng quốc gia và trong khu vực. Hình thức “Vote” (Phiếu bầu) này thể hiện sự công nhận uy tín của FSB về đào tạo Quản trị trong con mắt Dean các Trường bạn.  
 
PV: Anh có cho rằng, việc trở thành trường kinh doanh tốt nhất Việt Nam sẽ là “áp lực” cho FSB trong việc giữ vững vị trí này ở những năm tiếp theo không?
 
Viện Trưởng: Tôi không nghĩ điều này là “áp lực” đối với FSB – nhưng nó chính là một Thách thức. Đặc biệt, trong bối cảnh Chiến lược Phát triển giai đoạn 2021-2023 của FSB , chúng tôi dịch chuyển sang một định vị mới – “Elite”. Có nghĩa là FSB sẽ chuyển sang một diện mạo khác, với sự tập trung vào xây dựng hình ảnh thương hiệu Trường Kinh doanh đẳng cấp về chất lượng, Hạnh phúc cho người học – sẽ là điểm tựa chất lượng cho các khối ngành Kinh tế khác trong Tổ chức Giáo dục FPT cùng phát triển.
Tôi cho rằng FSB sẽ làm được – chúng tôi sẽ có rất nhiều việc để làm!
 
PV: Vâng, xin cảm ơn anh về cuộc phỏng vấn này. Xin chúc FSB phát triển hơn nữa và tiếp tục đạt được những thành tựu mới!

Tin FSB

Ngược chiều top 10 vốn hóa

Sự thay đổi thứ hạng trong top 10 vốn hóa thị trường phản ánh rõ nét diễn biến của nền kinh tế.

Sau những thăng trầm vì dịch COVID-19, chỉ số VN-Index đã chinh phục thành công ngưỡng 1.000 điểm, kết thúc tháng 11 tại mức 1.003 điểm. Tổng kết tháng 11, chỉ số VN-Index tăng hơn 77,6 điểm, tương đương tăng 8,39%, là tháng thứ 4 tăng liên tiếp từ vùng giá dưới 800 điểm hồi tháng 7.2020. 
 
Đóng góp chính vào đà tăng mạnh của thị trường chung là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, chiếm tới hơn 50% tổng giá trị vốn hóa trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam (gồm 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM). Top 10 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có nhiều thay đổi.
 
Nửa đầu phân hóa 
 
Tại thời điểm 30.11.2020, tổng giá trị vốn hóa của 10 doanh nghiệp lớn nhất sàn đạt gần 2 triệu tỉ đồng. Trong đó, nửa đầu Top 10 không có sự thay đổi về thứ hạng, nhưng lại có sự phân hóa trong chặng đường trở lại vạch xuất phát của năm 2020. Với giá trị vốn hóa tại thời điểm 30.11 là hơn 351.400 tỉ đồng, Tập đoàn Vingroup (VIC) tiếp tục dẫn đầu về giá trị vốn hóa. Tuy nhiên, so với đầu năm 2020, con số này vẫn giảm khoảng 9,5%. 
 
Cùng với Vingroup, Công ty Cổ phần Vinhomes (VHM) và Ngân hàng BIDV (BID) cũng đang lấy lại những gì đã mất. Giá trị vốn hóa thị trường hồi cuối tháng 11.2020 của Vinhomes và BIDV lần lượt đạt 276.669 tỉ đồng và 167.718 tỉ đồng, tương ứng giảm 1,3% và 10,7% so với đầu năm 2020. Hiện tại, Vinhomes và BIDV lần lượt giữ vị trí số 3 và số 5 trong Top 10 vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
 
 
Trong khi đó, ở vị trí số 2 là Ngân hàng Vietcombank (VCB) với giá trị vốn hóa hơn 344.925 tỉ đồng. Khác với Vingroup, Vietcombank đã trở lại vạch xuất phát và đang trên đường chinh phục những cột mốc mới. Vốn hóa thị trường hiện tại của Vietcombank đã tăng 3,4% so với hồi đầu tháng 1.2020. 
 
Cùng với Vietcombank, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) cũng gia nhập đường đua. Tại thời điểm 30.11, giá trị vốn hóa của Vinamilk đạt hơn 226.100 tỉ đồng, tăng 9,8% so với đầu năm 2020 và là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 4 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
 
Nửa sau đổi ngôi 
 
Trong khi nửa đầu Top 10 giữ vững ngôi vị thì nửa sau lại có sự thay đổi đáng kể. Đầu tháng 1.2020, Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS), Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB), Techcombank (TCB), VietinBank (CTG) và  Công ty Cổ phần Vincom Retail (VRE) là 5 cái tên xuất hiện trong nửa sau Top 10 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường.
 
Trải qua 11 tháng thăng trầm cùng thị trường, cả Techcombank và Vincom Retail đều bị soán ngôi bởi sự vươn lên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MSN). Cụ thể, tại thời điểm 30.11, giá trị vốn hóa của Hòa Phát và Masan lần lượt đạt 98.018 tỉ đồng và 96.324 tỉ đồng, vượt qua 2 ứng viên cũ để góp mặt vào Top 10. Giá trị vốn hóa của 2 tân binh là Hòa Phát và Masan cũng tăng lần lượt 47% và 43,3% so với đầu năm 2020.
 
 
Bên cạnh sự xuất hiện của các tân binh, thứ tự trên bảng xếp hạng của các doanh nghiệp ở nửa sau Top 10 cũng bị xáo trộn. Ảnh: Qúy Hòa
 
Bên cạnh sự xuất hiện của các tân binh, thứ tự trên bảng xếp hạng của các doanh nghiệp ở nửa sau Top 10 cũng bị xáo trộn. Cụ thể, VietinBank đã vươn lên vị trí số 7 so với hạng 9 hồi đầu năm 2020. Tại thời điểm 30.11, giá trị vốn hóa của VietinBank đạt hơn 124.734 tỉ đồng, tăng 57% so với tháng 1.2020.
 
Ở chiều ngược lại, với giá trị vốn hóa hơn 122.800 tỉ đồng (giảm 14,7% so với tháng 1.2020), Sabeco đã tụt 1 bậc xuống vị trí số 8 trên bảng xếp hạng vốn hóa. Trao đổi với NCĐT, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường thuộc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), nhận xét, đà hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua được hỗ trợ chủ yếu từ diễn biến bứt phá ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó có nhiều cổ phiếu đã tăng vượt mốc thời điểm cuối năm 2019 khi nền kinh tế chưa chịu tác động bởi dịch COVID-19.
 
Theo ông Trần Đức Anh, diễn biến trên có thể được lý giải bởi 3 nguyên nhân chính. Đầu tiên là việc kiểm soát tốt dịch bệnh, cùng kỳ vọng cao vào đà hồi phục của nền kinh tế trong năm sau đã đẩy chỉ số VN-Index tăng mạnh và vượt mốc 1.000 điểm. Thêm vào đó, sau giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn đứng trước cơ hội phục hồi rõ nét hơn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhờ lợi thế về quy mô, vốn, thị phần và quan hệ với đối tác.
 
Cuối cùng, theo ông Trần Đức Anh, nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn được tiếp sức bởi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Chính phủ như đẩy mạnh đầu tư công, nới lỏng tiền tệ hay hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do được ký kết gần đây (EVFTA, RCEP).
 
“Dù nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng giá mạnh mẽ nhưng nhờ được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản, tôi cho rằng về tổng thể, dư địa tăng giá ở nhóm cổ phiếu này vẫn còn và là lựa chọn tương đối an toàn đối với nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại”, ông Trần Đức Anh nhìn nhận.

(Nguồn: NCĐT)