Quản trị doanh nghiệp bền vững cùng Chủ tịch Saigon Books – Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh

Ngày 21/01/2021, Viện Quản trị & Công nghệ FSB tổ chức hội thảo quản trị: Quản trị doanh nghiệp bền vững do diễn giả Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh chia sẻ cùng sự hiện diện của TS Nguyễn Hồng Phương – Giám đốc đào tạo FSB khu vực TP HCM, TS Nguyễn Thanh Tùng – Giảng viên bộ môn tại FSB cùng hơn 200 học viên FSB. 

Mở đầu buổi nói chuyện, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh hy vọng kinh nghiệm từng trải của mình sẽ mang đến nhiều giá trị cho các nhà quản trị trong điều hành doanh nghiệp hiện nay: "Khi bắt đầu khởi nghiệp, tôi không xuất sắc như tôi nghĩ và 5 năm vừa rồi giúp tôi nhìn nhận lại đúng năng lực bản thân và rất may tôi vẫn có những cộng sự tốt để doanh nghiệp mình phát triển và đang có những dự án tốt phát triển trong tương lai”.

Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh hiện là nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Saigon Books. Ông có hơn 20 năm tham gia Ban điều hành nhiều doanh nghiệp lớn như PNJ, SFC, PNC, Alpha Books, Vigatexco,… Ông hiện là Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ Việt Nam, nhiệm kỳ VI (2018-2021). Đồng thời, diễn giả Nguyễn Tuấn Quỳnh là Chủ tịch sáng lập JCI Việt Nam năm 2008 và là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM từ nhiệm kỳ VII đến nhiệm kỳ X (2011-2020).
 
Ông là tác giả của các cuốn sách: Sống ở thể chủ động; Sống tích cực để yêu thương; Tin vào chính mình; Cứ bay rồi sẽ cao (cùng với Nguyễn Phi Vân).
 

Quản trị doanh nghiệp bền vững nằm trong chuỗi hội thảo thường kỳ của Viện Quản trị & Công nghệ FSB nhằm mục đích nâng cao kiến thức quản trị, năng lực lãnh đạo của các nhà quản trị trong cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp hiện nay thông qua những chia sẻ thực tế từ kinh nghiệm thực tiễn trên thương trường của những người thầy lớn FSB – Giảng viên doanh nhân, Ban lãnh đạo doanh nghiệp lớn, tập đoàn hàng đầu Việt Nam.

Được mệnh danh là người hùng ngành gas và trở thành doanh nhân khởi nghiệp ở tuổi 44, với hơn 30 ngành nghề kinh doanh ông đảm nhận, từ làm cho tập đoàn lớn đến startup làm chủ – diễn giả chia sẻ với học viên FSB những rút kết hơn 20 năm kinh nghiệm trên thương trường, để doanh nghiệp bền vững bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng cần nắm vững các yếu tố sau:
CEO đảm đương vai trò là thần tượng của công ty
Cân bằng giữa các “nhóm lợi ích”
Luật nội bộ công ty tuy thưa mà chặt!
Doanh số, lợi nhuận không phải là tất cả!
Bán được tương lai của công ty cho nhân viên!
Quản lý được trả lương để chăm sóc nhân viên!

 
Cuối cùng, Chủ tịch Saigon Books nhắn gửi tới tất cả học viên FSB: “Kinh doanh là quá trình chính chúng ta đi khám phá bản thân mình và trong con đường đó chúng ta rất cần những người đồng đội vì vậy cho nên khi bắt đầu chặn đường này hãy nghĩ về mục tiêu, biết thế mạnh thế yếu của mình và chọn cho mình những người bạn đồng đội phù hợp thì con đường đến mục tiêu đó sẽ bớt gian nan hơn.”

Tin FSB

Di sản của ông Trump được nhìn qua 2 lăng kính khác nhau

Các chính sách của Trump sẽ tác động đến nhiều thế hệ người Mỹ.

Di sản của Tổng thống Trump sẽ được cảm nhận trong nhiều thập kỷ.

Sau 4 năm đầy biến động, nhiệm kỳ Tổng thống của ông Donald Trump kết thúc vào ngày 20.1, với một di sản hỗn hợp sẽ được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ. Kể từ khi bước vào Nhà Trắng, chính quyền Trump đã gây nhiều tranh cãi. Và điều không thể phủ nhận ông ấy đã thay đổi tiến trình chính trị Mỹ.

Các nhà sử học phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn khi đến thời điểm đánh giá nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump.
 
Có lẽ những tác động của ông Trump sẽ còn được cảm nhận trong nhiều thế hệ tiếp theo. Điều làm lu mờ những đóng góp tích cực của vị Tổng thống Mỹ thứ 45 là phản ứng ông Trump đối với đại dịch và vài trò của ông ấy trong vụ tấn công vào Điện Capitol hôm 6.1.
 
Di sản của ông Trump – có lẽ nhiều hơn bất kỳ tổng thống Mỹ nào khác – sẽ được nhìn qua 2 lăng kính hoàn toàn khác nhau. Những người bảo thủ, tầng lớp kinh doanh giàu có có thể tôn kính ông là một trong những tổng thống vĩ đại nhất trong thời đại của họ. 
 
Điều đáng buồn là phần lớn người Mỹ coi thường ông. Bằng chứng là một cuộc thăm dò của Pew Research cho thấy: Ông Trump rời nhiệm sở với tỉ lệ tán thành 29%, mức tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
 
Tuy nhiên, những người ủng hộ và đồng minh vẫn ca ngợi ông vì đã khởi động thành lập và nhanh chóng thực hiện một số lời hứa tranh cử hồi năm 2016.
 
Định hình lại bộ máy tư pháp
 
Tác động của Tổng thống Trump đối với hệ thống tòa án liên bang chắc chắn sẽ là di sản lâu dài nhất của ông và sẽ được cảm nhận trong nhiều thế hệ, dù tốt hay xấu.
 
Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã bổ nhiệm 3 thẩm phán cho các nhiệm kỳ tại Tòa án tối cao. Điều này góp phần củng cố quyền lực của tòa án tối cao, tác động đến mọi thứ, từ các vấn đề mà cộng đồng người đồng tính đến quyền sinh sản, chăm sóc sức khỏe, chính sách lao động và vấn đề nhập cư.
 
Ông Trump cũng bổ nhiệm hơn 200 thẩm phán cho các tòa án liên bang. Họ là những người có khả năng sẽ ra phán quyết có lợi cho đảng Cộng hòa trong các cuộc bổ nhiệm.  
 
Phó giáo sư và giám đốc nghiên cứu Michael Cornfield của Trung tâm Toàn cầu về Quản lý Chính trị tại Đại học George Washington cho biết: “Đó là thỏa thuận mà ông ấy đã cắt đứt với quyền truyền giáo và giới tinh hoa trong Đảng Cộng hòa”.
 
Cắt giảm thuế của Trump
 
Tổng thống Trump đã kết thúc năm đầu tiên tại vị bằng cách ký một dự luật cắt giảm vĩnh viễn mức thuế doanh nghiệp của Mỹ từ 35% xuống còn 21%. Thuế thu nhập cá nhân cũng giảm, mặc dù những thay đổi đó là tạm thời và nhỏ hơn.

Đợt cắt giảm thuế năm 2017 của chính quyền gần như không phải là lớn nhất trong lịch sử gần đây. Ảnh: The Washington Post.
 
Việc cắt giảm thuế của chính quyền Trump đã mang lại lợi ích cho những người giàu nhất ở Mỹ và các tập đoàn lớn. Nhiều công ty đã sử dụng số tiền tăng thêm để mua lại cổ phiếu và tiền thưởng điều hành hơn là tăng lương cho nhân viên của họ. 
 
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính rằng việc cắt giảm thuế sẽ làm tăng thâm hụt của đất nước thêm 1.900 tỉ USD trong 10 năm. Điều này cũng khiến những người chỉ trích Trump lo lắng khi cho rằng những người có thu nhập thấp nhất và những người dễ bị tổn thương nhất sẽ phải trả giá do việc phe bảo thủ cắt giảm các chương trình mạng lưới an toàn xã hội để cân bằng ngân sách.
 
Đàm phán lại các giao dịch thương mại
 
Ông Trump đã lên nắm quyền một phần bằng cách hứa hẹn sẽ điều chỉnh và đàm phán lại các thỏa thuận thương mại cũ giữa Mỹ và các nước khác. Và ông ấy đã thực hiện được lời hứa, mặc dù điều đó góp phần châm ngòi cho cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và gây ra sự bấp bênh cho các doanh nghiệp nội địa Mỹ. 
 
Nhưng ông Trump đã cố gắng xóa bỏ một hiệp định thương mại Bắc Mỹ quan trọng có từ thời chính quyền Bill Clinton – Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ – và thay thế nó bằng thỏa thuận được đàm phán lại mà ngay cả những người chỉ trích ông cũng thừa nhận là tốt hơn. 
 
Thành tích của chính quyền Trump không phải lúc nào cũng được đo bằng các chính sách của ông, mà là cách ông thay đổi cách nhìn của người Mỹ và thế giới cũng như mối quan hệ với Washington. 
 
Chương trình nghị sự chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Trump đôi khi mơ hồ, nhưng ông đã khiến phần còn lại của thế giới chú ý. Trong giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump đã chế giễu các chính sách ngoại thương và thương mại của chính quyền Obama. Kể từ thời điểm đó, ông Trump đã cai trị nước Mỹ theo một cách khác thường và không thể đoán trước.
 
Chủ tịch Trung tâm Chính sách lưỡng đảng ở Washington Jason Grumet cho biết: “Tổng thống Trump đã chống lại rất nhiều thể chế. Ông ấy đã phá vỡ các tiêu chuẩn của chính quyền trước đây”.
 
Sử dụng mạng xã hội 
 
Tổng thống Trump đã làm nhiều việc như trên thông qua tài khoản Twitter hiện đã bị đình chỉ của mình.

Một cuộc xung đột giữa Tổng thống Donald Trump và Twitter đã leo thang trong những ngày gần đây. Ảnh: AFP.
 
Ông Trump đã sử dụng mạng xã hội để xây dựng thương hiệu chính trị của mình và sử dụng nó trong suốt nhiệm kỳ để tấn công các đối thủ chính trị, sa thải các quan chức chính quyền và tương tác trực tiếp với những người ủng hộ trung thành của mình. 
 
Trợ lý giáo sư Laura Merrifield Wilson khoa học chính trị tại Đại học Indianapolis nói rằng: “Về mặt chính trị, ông ấy đã có thể đưa một liên minh lại với nhau mà họ chưa từng thấy trước đây. Ông ấy mang đến sự hỗ trợ thích hợp của riêng mình”.

(Nguồn: NCĐT)

FSB tổ chức Lễ Tốt nghiệp cho 250 Học viên chương trình đào tạo CEO 2020 – Quản trị điều hành thời VUCA

Ngày 30.12.2020 vừa qua , Viện Quản trị & Công nghệ FSB, Đại học FPT đã tổ chức thành công buổi Lễ Tổng kết và Trao chứng chỉ tốt nghiệp cho 250 học viên Chương trình đào tạo CEO 2020.

CEO 2020 – Quản trị điều hành thời VUCA là chương trình do Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cùng Viện Quản trị & Công nghệ FSB, Đại học FPT phối hợp triển khai từ nguồn ngân sách Nhà nước, với hỗ trợ học bổng lên tới 65% kinh phí toàn khóa. Chương trình nằm trong dự án hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội nâng cao năng lực tìm giải pháp và cơ hội phát triển năng lực cạnh tranh trong thời kỳ chuyển đổi số.
 
Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của đại diện Ban lãnh đạo Tập đoàn FPT, Ban Lãnh đạo Viện Quản trị & Công nghệ FSB, ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Telecom, Lãnh đạo Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội: ông Lê Văn Quân – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; ông Nguyễn Hữu Lương – Phó Giám đốc, các giảng viên đã tham gia đào tạo giảng dạy… cùng các học viên CEO là các doanh nhân cùng người thân và bạn bè.
 
 
Chương trình được tổ chức quy mô với chuỗi các hoạt động kết nối chất lượng và đẳng cấp.

 
Mở đầu chương trình với phần Leader Talk có chủ đề: "DX Leadership". Diễn giả, Ông Hoàng Nam Tiến,  Chủ tịch FPT Telecom đã chia sẻ cùng các học viên những triết lý quản trị sâu sắc trong thời kì chuyển đổi số. Những câu nói ấn tượng của ông Hoàng Nam Tiến tại chương trình như: “Chuyển đổi số không xuất phát từ bất kì vị trí nào trong doanh nghiệp, mà phải xuất phát từ chính nhu cầu của người lãnh đạo.” hay “Đừng nghĩ rằng chuyển đổi số là “cây đũa thần “để giải quyết tất cả các vấn đề của doanh nghiệp.” đã tác động mạnh mẽ tới tư duy quản trị của từng học viên CEO.
 
 
Ông Hoàng Nam Tiến , Chủ tịch FPT Telecom : “Chuyển đổi số không xuất phát từ bất kì vị trí nào trong doanh nghiệp, mà phải xuất phát từ chính nhu cầu của người lãnh đạo.”
 
Tiếp đến là phần Lễ tổng kết và trao chứng chỉ tốt nghiệp cho các học viên CEO 2020. Đại diện ban lãnh đạo Viện Quản trị & Công nghệ FSB, ông Hà Nguyên – Trưởng ban đào tạo FSB đã tổng kết những kết quả đã đạt được trong công tác đào tạo năm 2020. Là năm triển khai thứ 4 liên tiếp, chương trình đã đào tạo cho 250 học viên, như vậy là đến nay đã có khoảng hơn 1000 học viên CEO tốt nghiệp sau 4 năm. Đây là một sự nỗ lực rất lớn của Sở Kế hoạch đầu tư cũng như lãnh đạo Thành phố Hà Nội xúc tiến nâng cao chất lượng điều hành của các Doanh nhân trên địa bàn.
 
 
Đại diện Lãnh đạo FSB, ông Hà Nguyên – Trưởng ban đào tạo FSB 
 
Cũng tại buổi lễ, đại diện FSB đã gửi lời cảm ơn và ghi nhận sự đóng góp thầm lặng nhưng tích cực, hiệu quả, cùng sự tâm huyết và lòng yêu nghề của đội ngũ các nhà khoa học, các thầy cô giáo của FSB đã dành cho các học viên CEO trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu. 
 
Đồng thời lãnh đạo Viện FSB cũng gửi lời chúc mừng tới 250 học viên đã tốt nghiệp chương trình trong năm 2020 và mong muốn học viên hãy duy trì và tiếp tục đẩy mạnh kết nối giữa học viên với trường, giữa học viên với học viên… để từ đó phát huy những giá trị cao nhất của Khóa học. 
 
 
Trong bầu không khí trang trọng và xúc động, 250 học viên CEO đã lần lượt lên nhận những tấm chứng chỉ tốt nghiệp từ Ông Hà Nguyên, Trưởng ban đào tạo FSB, cùng Giám đốc và Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Sở Kế hoạch đầu tư thành phố Hà Nội – ông Lê Văn Quân và ông Nguyễn Hữu Lương; bà Lương Thị Hồng Anh – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và tư vấn doanh nghiệp Viện Quản trị & Công nghệ FSB.
 
 

 
Cũng trong dịp này, FSB và Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Sở Kế hoạch đầu tư thành phố Hà Nội đã trao tặng giải thưởng Học viên xuất sắc các lớp CEO cho những học viên có thành tích học tập và hoạt động nổi bật toàn khóa. Các học viên tuy là các doanh nhân luôn bận rộn với việc điều hành doanh nghiệp nhưng vẫn dành thời gian để học hỏi, nâng cao kiến thức và kỹ năng quản trị, góp phần phát triển chính bản thân mình cũng như doanh nghiệp mình với tinh thần cầu thị.
 
 
Chương trình đào tạo CEO 2020 – Quản trị điều hành thời VUCA đã chính thức khép lại tốt đẹp. FSB xin chúc các anh chị một năm mới sức khỏe, thành công trên những con đường phía trước và mạng lưới kết nối giữa các học viên với nhau và với nhà trường trở nên ngày càng mạnh mẽ, hợp nhất.

Lance Uggla người biến dữ liệu thành vàng

Lance Uggla đã đưa IHS Markit trở thành một mỏ vàng dữ liệu trị giá hàng chục tỉ USD.

Lance Uggla đã đưa IHS Markit trở thành một mỏ vàng dữ liệu trị giá hàng chục tỉ USD. Ảnh: thetimes.co.uk

Là một doanh nhân khởi nghiệp thành công đòi hỏi phải có tầm nhìn lớn và khả năng kiên trì bám đuổi để biến tầm nhìn đó thành hiện thực. Lance Uggla, người đã đưa những dữ liệu tài chính khô khan thành mỏ vàng mà được biết đến với cái tên IHS Markit, sở hữu cả 2 đặc điểm quan trọng này. Việc ông quyết định chấp nhận lời đề nghị thâu tóm 44 tỉ USD từ tập đoàn cung cấp dữ liệu Mỹ S&P Global vào cuối năm 2020 được xem là nấc thang cao nhất trong sự nghiệp miệt mài đưa IHS Markit từ điểm xuất phát là một công ty nhỏ được ông thành lập trong khu vườn ở ngôi nhà St Albans (Anh) của ông vào năm 2002.
 
Thương vụ với S&P Global là thương vụ mới nhất trong làn sóng M&A giữa các nhà cung cấp dữ liệu lớn nhất trong ngành. Cổ đông S&P Global sẽ nắm giữ xấp xỉ 67,75% cổ phần, cổ đông IHS nắm giữ số cổ phần còn lại. Douglas Peterson, CEO S&P Global, sẽ là người đứng đầu công ty sau sáp nhập, còn Uggla vẫn là cố vấn đặc biệt trong 1 năm sau khi thương vụ hoàn tất. Nhưng sau đó, ông sẽ phải từ bỏ quyền kiểm soát một công ty sở hữu các chỉ báo kinh tế và dữ liệu mà ai nấy cũng đều phải dựa vào từ các ngân hàng cho đến các công ty quốc phòng. Một số thông tin dữ liệu có “niên đại” từ vài trăm năm trước.

Lance Uggla không hề tiếc nuối khi chia tay công ty do ông sáng lập. Cha ông, từng là nhà quản lý một nhà máy cưa, rất lo lắng thương vụ bán IHS Markit có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đứa con trai đầy tham vọng của mình. Nhưng Uggla, luôn tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ và niềm tin tuyệt đối vào bản thân dù đã ở tuổi 58, đã trấn an cha rằng ông có rất nhiều kế hoạch đặt ra cho mình. “Không ai ép tôi phải bán công ty cả. Tôi thực sự rất phấn khởi về điều đó”, ông nói.
 
Uggla không phải là người London chính hiệu mà nhập cư từ Canada. Sau một tuổi thơ rày đây mai đó ở miền Tây Canada, ông đã lấy bằng kinh doanh từ Đại học Simon Fraser và sang Anh vào giữa thập niên 1980 để học kế toán và tài chính tại Trường Kinh tế London. Vào thập niên 1990, ông trở thành chuyên viên giao dịch tại TD Securities. Thời gian này, Uggla đã bắt đầu xây dựng cơ sở dữ liệu về giá cả cho những tài sản tín dụng khó định giá. Vụ sụp đổ của tập đoàn năng lượng Enron vào năm 2001 đã khiến nhiều ngân hàng nhận ra rằng họ rất cần các dữ liệu định giá tốt hơn. Vì thế, Uggla quyết định thành lập một công ty cung cấp các dữ liệu mà ngành ngân hàng cần đến. Khi cái tên đầu tiên của Công ty – Markit.com dường như “dọa sợ” các nhà đầu tư tiềm năng giữa lúc bong bóng dotcom xì hơi, ông đã đổi tên thành Markit Partners.
 
Sau đó, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hóa ra lại là cơ hội ngàn năm có một cho công ty của Uggla khi các cú sốc này đã đẩy cao chưa từng có nhu cầu từ phía các chuyên viên giao dịch và từ các cơ quan quản lý nhà nước khi họ cần nhiều dữ liệu hơn để có được cái nhìn đầy đủ hơn về những thị trường còn kém minh bạch. Đến năm 2012, ông đã gây tiếng vang đến nỗi ông đã được trao tặng danh hiệu “Doanh nhân nước Anh của Năm” do Ernst & Young trao tặng. Thành công của Markit đã đưa Uggla vào vị thế cạnh tranh trực tiếp với Bloomberg và Thomson Reuters trong việc cung cấp các dữ liệu thị trường tài chính.

Một cuộc sáp nhập trị giá 13 tỉ USD với IHS (sở hữu đa dạng dữ liệu từ dữ liệu về các ngành ô tô và công nghệ cho đến thông tin về an ninh và quân sự) đã cho Markit quy mô và tính đa dạng mà Uggla luôn khao khát để có thể cạnh tranh với các đối thủ lớn trong ngành. Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo và những tiến bộ về năng lực máy tính chỉ càng đẩy tăng nhu cầu đối với các dữ liệu độc quyền của Markit, khi các quy trình đáng lẽ phải mất hàng tiếng đồng hồ thì giờ hoàn tất chỉ trong vài giây. “Nó cho phép chúng tôi thực hiện hàng trăm ngàn kịch bản khác nhau để tìm ra cây kim trong đống cỏ khô và tạo ra lợi thế cạnh tranh so với những gì chúng tôi đã làm trước đó”, ông giải thích vào năm 2018.
 
Theo thông tin nộp lên cơ quan quản lý, với thương vụ bán IHS Markit, Uggla sẽ được nhận 46 triệu USD theo điều khoản chuyển quyền kiểm soát. Ngoài ra, ông là một trong những cổ đông cá nhân lớn của IHS Markit, nắm giữ số cổ phần trực tiếp 0,3% mà giá trị đã tăng mạnh lên 120 triệu USD sau thông tin về thương vụ bán lại cho S&P Global. Ông và gia đình cũng là những người thụ hưởng của một quỹ ủy thác nắm giữ một khoản cổ phần không được tiết lộ trong IHS Markit. Số tài sản trên cho phép ông có thể thoải mái theo đuổi những đam mê của mình như trượt tuyết và du thuyền.
 
Hiện tại, Uggla cho biết chưa có chiến lược kinh doanh dài hạn rõ ràng sau khi rời khỏi IHS Markit nhưng ông hứng thú với các thị trường phát triển để hỗ trợ cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, sử dụng dữ liệu tốt hơn để phác thảo cuộc chuyển giao sang một thế giới carbon net zero. “Điều đó thực sự quan trọng đối với tôi. Tôi muốn trở thành một phần của nó”, ông nói.

Những người đã làm việc với Uggla đều nhận xét năng lượng của ông là vô tận. Tính tình cởi mở của ông luôn chinh phục người đối diện với lối giao tiếp thẳng thắn và rõ ràng. Đặc biệt ông luôn chuyên tâm và trung thành với những gì mình tin tưởng. Michael Spencer, một người bạn lâu năm và cũng là một doanh nhân rất thành công, nhận xét: “Ở Uggla luôn toát ra sức cuốn hút rất tự nhiên, là một người đầy tham vọng và rất chuyên tâm”.
 
Với lòng nhiệt huyết và tinh thần làm việc không ngừng nghỉ, Uggla sẽ không dừng lại sau hành trình dài với IHS Markit. “Tôi đã 58 tuổi và còn rất nhiều điều phải làm. Điều chắc chắn là tôi sẽ không làm những gì cạnh tranh với công ty mà tôi đã tạo lập nên”, ông nói.

(Nguồn: NCĐT)

2021: Năm đột phá của thị trường mới nổi

Vốn ngoại đang chảy vào các thị trường mới nổi với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2013.

Dòng vốn đảo ngược
 
Các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vào trái phiếu và cổ phiếu thị trường mới nổi trong quý này với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2013, một sự đảo ngược hoàn toàn so với đợt tháo chạy kỷ lục vào thời điểm COVID-19 mới bắt đầu bùng phát. Dòng tiền này được nhiều chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2021.
 
Số liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho thấy hơn 95 tỉ USD đã rời khỏi thị trường trái phiếu và cổ phiếu mới nổi vào tháng 3, theo sau đó là dòng vốn ồ ạt qua biên giới khiến tổng lượng vốn tháo chạy lên tới 243 tỉ USD trong 4 tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng COVID-19. Sau đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại, dù ban đầu có phần chậm chạp nhưng đã tăng tốc lên mức 145 tỉ USD chỉ riêng tháng 11.2020, theo IIF. Cũng trong tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót gần 37 tỉ USD vào nợ thị trường mới nổi và 40 tỉ USD vào cổ phiếu.
 
Jonathan Fortun Vargas, chuyên gia kinh tế tại IIF, cho rằng quý IV/2020 sẽ là quý ghi nhận dòng chảy mạnh nhất vào các tài sản thị trường mới nổi kể từ quý I/2013 – thời điểm trước khi diễn ra sự kiện “taper tantrum” (chỉ sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi, do nhà đầu tư quốc tế rút vốn sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết chuẩn bị thắt chặt chính sách nới lỏng định lượng).

“Sự tháo chạy của dòng tiền khỏi các thị trường mới nổi giờ đã là chuyện quá khứ. Dòng vốn tích cực này sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới”, Jonathan Fortun Vargas nhận định. Năm 2020, các giải pháp nới lỏng tiền tệ quyết liệt của FED nhằm đối phó với đại dịch đã thúc đẩy tài sản tài chính trên khắp thế giới.
 
FED và ngân hàng trung ương các nước phát triển khác đã bơm ước tính 7.500 tỉ USD vào thị trường tài chính toàn cầu trong suốt cuộc khủng hoảng COVID-19, theo IMF. Theo đó, các thị trường cổ phiếu và trái phiếu mới nổi, đặc biệt là thị trường trái phiếu, đều ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ khi nhà đầu tư  quốc tế săn tìm mức sinh lời trong bối cảnh lãi suất tại các nước phát triển đang ở mức thấp kỷ lục. Số liệu từ EPFR, tổ chức theo dõi dòng vốn chảy vào các quỹ tương hỗ và quỹ ETF, cũng ghi nhận câu chuyện tương tự.
 
Theo giới phân tích, đó là nhờ mức định giá hấp dẫn của các cổ phiếu thị trường mới nổi so với cổ phiếu thị trường phát triển, cũng như triển vọng kinh tế cải thiện nhờ sự xuất hiện sớm hơn dự kiến vaccine COVID-19, bên cạnh các chính sách nới lỏng tiền tệ trên khắp thế giới nhằm vực dậy nền kinh tế.

 
Trợ lực lớn chưa từng có
 
Có thể thấy, sau khi chao đảo vào nửa đầu năm 2020, các thị trường mới nổi đã khởi sắc trở lại nhờ những đột phá về vaccine COVID-19 giúp tiếp sức cho các tài sản rủi ro. Trái phiếu cũng leo lên mức cao kỷ lục, trong khi các chỉ số chứng khoán và tiền tệ đều ở mức cao nhất trong hơn 2 năm.
 
Cuộc khảo sát của Bloomberg đối với 63 nhà đầu tư, chiến lược gia và nhà giao dịch cho thấy niềm tin vào vaccine COVID-19 sẽ là động lực lớn nhất thúc đẩy thị trường trong năm 2021, vượt qua nỗi lo ngại về tình trạng thâm hụt tài khóa của các chính phủ (do triển khai các gói kích thích kinh tế hào phóng nhằm đối phó COVID-19) và triển vọng kinh tế của Trung Quốc.

“Khi các nền kinh tế tái mở cửa, vaccine được đưa đến người dân và khẩu vị ưa thích rủi ro quay lại, 2021 có thể là năm cực kỳ thành công của các thị trường mới nổi, đặc biệt nếu đồng USD tiếp tục suy yếu”, Christopher White, nhà quản lý quỹ cổ phiếu tại Somerset Capital Management, cho biết. Ông nói thêm: “Thâm hụt tài khóa chưa từng có tiền lệ của Mỹ cùng với chính sách nới lỏng tiền tệ quá hào phóng đang gây sức ép lên đồng USD. Đây chính là trợ lực lớn cho nhiều nền kinh tế mới nổi”.
 
Jacob Grapengiesser, đối tác tại East Capital, cũng cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ tỏa sáng về triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2021 trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Thái Lan và Malaysia sẽ hưởng lợi từ sự khởi sắc của ngành du lịch. Việc giá dầu tăng lên cũng sẽ có ý nghĩa tích cực đối với Nga và Brazil, vốn đã xập xình suốt năm 2020, ông nói thêm. MSCI ghi nhận thị trường cổ phiếu của 2 nước này đã giảm lần lượt 18% và 21% trong năm 2020, so với mức tăng hơn 14% của các cổ phiếu thị trường mới nổi nói chung (theo giá USD).
 
Nhưng một số chuyên gia cũng khuyến cáo sự hào hứng được tiếp sức bởi dòng tiền dư thừa tìm kiếm các khoản đầu tư sinh lợi và tâm lý lạc quan về khả năng chấm dứt đại dịch với sự xuất hiện của vaccine có thể sẽ phai nhạt. “Trạng thái phấn khích này được thúc đẩy bởi cuộc đổ xô tìm kiếm mức sinh lời. Trung Quốc đang phục hồi và người ta đã chuyển sự hào hứng này sang các thị trường mới nổi còn lại. Thế giới đã và đang tung ra nhiều gói kích thích kinh tế và thị trường mới nổi tự nhiên trở thành điểm đến của các nhà đầu tư muốn kiếm lời”, Omotunde Lawal, đứng đầu bộ phận nợ doanh nghiệp thị trường mới nổi ở Barings, nhận định.
 
Bà Lawal nói thêm: “Sự thật sẽ hiển bày vào năm 2021. Mọi người sẽ nhận ra rằng tăng trưởng cao hơn là bởi vì điểm xuất phát thấp. Trên thực tế, sẽ không có chuyện quay trở lại bình thường như trước đây”.

(Nguồn: NCĐT)