Những cú sốc nguồn cung cùng giáng đòn lên chuỗi cung ứng thế giới

Xung đột, các đòn trừng phạt, hạn chế xuất khẩu và thiên tai cùng lúc đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu, cản trở kế hoạch kiểm soát lạm phát trên khắp thế giới.


 
Cuộc xung đột Nga – Ukraine và các lệnh trừng phạt từ phương Tây khiến giá lương thực và nhiên liệu tăng vọt. Ảnh: Reuters.
 
Lạm phát là kết quả của việc cầu tăng nhanh hơn cung. Theo Wall Street Journal, các ngân hàng trung ương có khả năng giải quyết phía cầu. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ trong những năm tới, một cú sốc nguồn cung nữa có thể xảy ra.
 
Trước đại dịch, nhu cầu thường ở mức yếu, nguồn cung vốn, lao động và nguyên vật liệu gần như vô hạn. Điều đó dẫn tới lạm phát và lãi suất liên tục được duy trì thấp.
 
Nhưng tình thế đã đảo lộn. Nhu cầu tăng mạnh, nhất là ở Mỹ, khi nền kinh tế phục hồi từ cuộc khủng hoảng bởi Covid-19. Thị trường lao động tại các nền kinh tế tiên tiến bị thu hẹp. Dịch bệnh tạo ra những nút thắt cổ chai của chuỗi cung ứng toàn cầu. Chiến lược chống dịch gắt gao của Trung Quốc khiến hệ thống vận tải trên thế giới chao đảo.
 
Áp lực lạm phát
 
Thêm vào đó, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa trên diện rộng, nhất là lương thực và năng lượng. Hôm 27/4, Nga tuyên bố ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, đẩy giá khí đốt của châu Âu lên cao.
 
Cùng ngày, Indonesia thông báo cấm xuất khẩu dầu cọ có thể để kiểm soát giá dầu ăn trong nước.
 
Indonesia chiếm gần 60% nguồn cung dầu cọ trên toàn cầu. Động thái của nước này có thể khiến các chính phủ khác trên thế giới đưa ra những lệnh cấm tương tự. Họ đều phải đảm bảo nguồn cung trong nước khi giá lương thực toàn cầu tăng cao.
 
Theo Wall Street Journal, đó có thể là một vấn đề kéo dài 1-2 năm, hoặc chỉ là khởi đầu cho thời đại của những căng thẳng địa chính trị, các chính sách bảo hộ và thiên tai, làm chao đảo mạng lưới cung ứng của thế giới.
 
Theo báo cáo mới được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 26/4, giá nhiên liệu và thực phẩm toàn cầu sẽ tăng mạnh trong năm nay bởi những cú sốc do xung đột Nga – Ukraine. Điều này có thể khiến gánh nặng lạm phát trên thế giới phình to.
 
WB dự báo giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng cao trong nhiều năm tới. Nguyên nhân là xung đột Nga – Ukraine làm thay đổi cách mua bán, sản xuất và tiêu dùng trên khắp thế giới.
 
 
Tình trạng ùn tắc tại các cảng biển trên khắp thế giới. Ảnh: Bloomberg.
 
Các ngân hàng trung ương từng đau đầu với tình trạng giảm phát trong những thập kỷ qua. Giờ, họ phải đối mặt với lạm phát tăng nóng.
 
Xung đột Nga – Ukraine và các lệnh trừng phạt của phía phương Tây khiến Nga phải chuyển hướng dòng chảy dầu từ châu Âu sang những khách hàng mới ở châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ.
 
Nhưng theo ông Zoltan Pozsar – chiến lược gia tại Credit Suisse, quá trình này sẽ tốn thêm 4 tháng chờ đợi và cần 80 tàu chở dầu cỡ lớn.
 
"Những con tàu đắt tiền hơn, phí vận chuyển cao hơn, các tuyến đường dài hơn, rủi ro gặp cướp biển gia tăng, dẫn tới tiền bảo hiểm nhiều hơn, giá cả biến động hơn", ông Pozsar dẫn một số trở ngại khi Nga chuyển sang các thị trường châu Á.
 
Trên thực tế, khi các yếu tố cung – cầu đẩy giá lên cao, thị trường sẽ tìm cách khắc phục vấn đề. Chẳng hạn, theo WB, giá dầu tăng cao vào những năm 1970 đã tạo ra các nguồn cung mới từ Vịnh Prudhoe của Alaska và Biển Bắc.
 
Để đối phó với giá lương thực tăng cao, từ những quốc gia gần như không sản xuất đậu nành, Argentina và Brazil đã sản xuất lần lượt 17% và 50% sản lượng đậu nành trên thế giới.
 
Khó đảo ngược xu hướng
 
Nhưng WB cho rằng ngày nay, nhiều chính phủ đang làm theo cách ngược lại. Một số chính phủ đã cắt giảm thuế và hỗ trợ người tiêu dùng đối phó với giá cả tăng cao. Những chính sách này có thể hạ nhiệt thị trường trong ngắn hạn, nhưng lại duy trì nhu cầu, khiến giá tiếp tục tăng.
 
Trong một báo cáo được công bố vào năm 2019, WB lưu ý rằng các chính phủ cũng thường cấm nhập khẩu khi giá tăng cao và khuyến khích xuất khẩu nếu giá giảm. Điều này làm gia tăng sự biến động theo cả 2 hướng.
 
Theo ước tính, trong giai đoạn năm 2010-2011, các chính sách tương tự đã góp phần làm tăng giá lúa mì và ngô, khiến 8,3 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo.
 
Theo các nhà phân tích Chad Bown và Yilin Wang thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Trung Quốc cũng hạn chế xuất khẩu phân bón và thép. Điều này làm tăng giá ở các nước khác.
 
"Rắc rối của Trung Quốc là nước này tiếp tục đưa ra những động thái như một nước nhỏ", các nhà phân tích chỉ trích. Họ cho rằng những chính sách của Bắc Kinh có thể làm tổn hại đến các nước khác.
 
"Bắc Kinh giải quyết vấn đề của nước mình bằng cách chuyển chi phí sang cho những nơi khác", các nhà phân tích nhận xét.
 
Theo giới quan sát, lệnh cấm xuất khẩu dầu ăn của Indonesia đe dọa gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn diện.
 
"Chúng ta có thể chứng kiến một vài sản phẩm khác bị đưa vào danh sách cấm xuất khẩu. Điều này có thể khiến mối lo ngại phình to", ông Carlos Mera – Trưởng bộ phận Nghiên cứu Thị trường Hàng hóa Nông nghiệp tại Robobank – cảnh báo.
 
Ngay cả khi những gián đoạn này sớm được giải quyết, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều mối nguy. Đó là căng thẳng địa chính trị giữa Nga, Trung Quốc và phương Tây, các đòn thuế, lệnh trừng phạt và lệnh hạn chế xuất khẩu. Cùng với đó là những rủi ro liên quan tới thiên tai.

Nguồn: Zingnews

Top những ngành được dự báo có lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhất trong quý I

Mùa công bố kết quả kinh doanh đang đến, đâu là những ngành có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với mặt bằng chung?

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL

Nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch và giá cả hàng hóa thế giới tăng cao để có được mức tăng trưởng GDP 5,0% trong quý I/2022, cao hơn mức tăng trưởng 4,7% trong quý I/2021 và 3,7% trong quý I/2020. 
 
Về ngành công nghiệp và xây dựng tăng 6,4% so với cùng kỳ trong quý I/2022 (cao hơn một chút so với mức tăng 6,3% so với cùng kỳ trong quý I/2021), trong khi khu vực dịch vụ tăng 4,6% so với cùng kỳ, cải thiện mạnh mẽ so với tốc độ tăng 3,6% so với cùng kỳ trong quý I/2021. Ngược lại, tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp và đánh bắt thủy sản giảm xuống 2,5% trong quý I/2022 từ 3,5% trong quý I/2021. 

Nguồn: VNDirect.
 
Nền tảng kinh tế vẫn vững chắc với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,9% trong quý I/2022, cho thấy lạm phát đã được kiểm soát tốt. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect, kiểm soát thành công lạm phát ở mức thấp tạo dư địa để Việt Nam duy trì các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng nhằm thúc đẩy nền kinh tế phục hồi nhanh hơn trong những quý tới. 
 
Chính phủ dự kiến bắt đầu giải ngân gói đầu tư cơ sở hạ tầng (thuộc gói kích thích kinh tế) từ tháng 4/2022. Gói này trị giá khoảng 113.050 tỉ đồng và Chính phủ dự kiến sẽ giải ngân trong 2 năm (2022-2023). Trước mắt, gói hỗ trợ trên sẽ được phân bổ cho các tiểu dự án thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam đã hoàn thành thủ tục đầu tư và chuẩn bị triển khai. 

Ngoài ra, Chính phủ công bố giảm thuế môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu để điều chỉnh giá xăng dầu trong nước. Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel/mazut, dầu hỏa dự kiến giảm lần lượt là 2.000 đồng/lít, 1.000 đồng/lít và 700 đồng/lít so với mức thuế hiện hành. Chính sách áp dụng từ ngày 01/04/2022 đến hết năm 2022. 
 
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định về gói bù lãi suất 40.000 tỉ đồng (thuộc gói kích thích kinh tế), dự kiến sẽ trình Chính phủ vào cuối tháng 3. Trước đó, Chính phủ đã giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với một số sản phẩm kể từ đầu tháng 2/2022 để thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Chính sách này sẽ có hiệu lực đến ngày 31/12/2022. 
 
VNDirect cho rằng họ tin rằng mối quan tâm của các nhà đầu tư sẽ dần chuyển từ xung đột Nga – Ukraine sang kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022. Công ty chứng khoán này cho biết họ kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý I/2022 sẽ khả quan, hưởng lợi từ việc nối lại hầu hết các hoạt động kinh tế cũng như gói kích thích kinh tế mới. 
 
VNDirect dự báo kết quả kinh doanh quý I/2022 khả quan và thông tin hỗ trợ đến từ đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán trong tháng 4 này. 
 
“Chúng tôi kỳ vọng các ngành chứng khoán, bán lẻ, hóa chất, phân bón và thủy sản sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong quý I/2022”, VNDirect nhận định. 

Nguồn: NCĐT

“Kinh tế số làm cho thế giới nhỏ lại nhưng giúp các doanh nghiệp nhỏ lớn lên”

Ông Vũ Tiến Lộc – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định trong kinh tế số thì những lợi thế về quy mô không còn quá lớn, thay vào đó là sự năng động và chất lượng

Nền kinh tế số của Việt Nam dự báo đạt quy mô 57 tỷ USD vào năm 2025

Từ chợ thật đến chợ “ảo”
 
Phát biểu khai mạc Tọa đàm "Vai trò của nền tảng số trong phục hồi kinh tế sau đại dịch”, Phó Tổng biên tập Phụ trách Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, Việt Nam hướng tới trở thành quốc gia số hàng đầu khu vực, ổn định và thịnh vượng; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Mục tiêu cụ thể là đưa kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và Việt Nam thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử.
 
Bà Huyền cũng trích dẫn thêm báo cáo của Google, nền kinh tế số của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỉ USD và dự kiến đạt 57 tỉ USD năm 2025, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng khoảng 29% một năm.
 
Đánh giá về kinh tế nền tảng và các nền tảng số hiện nay tại Việt Nam, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Kinh tế (Viện Nhà nước và Pháp Luật) cho biết kinh tế nền tảng đã tồn tại từ rất lâu đời với nhiều hình thức khác nhau, từ "chợ" thật cho đến những "chợ" ảo. Tại đó, người bán, người mua có thể gặp nhau để có thể trao đổi thông tin và đưa đến quyết định là mua hay không mua, giao dịch hay không giao dịch.
 
“Ví dụ như “chợ người” Giảng Võ là một nền tảng cực kỳ điển hình. Với sự phát triển của công nghệ thì nền tảng vật lý dần dần mất đi và thay vào đó là những nền tảng số như Amazon, eBay, Facebook…”, ông Dương lấy ví dụ.
 
Nhấn mạnh thêm về sự phát triển của chợ “ảo”, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết đối với chợ truyền thống, chúng ta chỉ có khoảng 100 người nhưng ở trên thương mại điện tử, chúng ta có đến từ 300.000 – 400.000 đến hơn 1 triệu hoặc đến vài triệu người bán.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương)
 
Bà Lại Việt Anh cho biết 2 năm dịch COVID-19 hoành hành là một thảm họa cho nền kinh tế thế giới và gây khó khăn rất lớn cho phát triển kinh tế của Việt Nam. Nhưng đối với lĩnh vực thương mại điện tử thì đây là “cú hích” để thương mại điện tử cũng như nền tảng số phát triển.
 
Trong 2 năm qua tại Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến gia nhập thị trường. Trong đó 55% đến từ các khu vực ngoài những thành phố lớn và 99%. Những người dùng cho biết họ sẽ tiếp tục và tăng tần suất sử dụng các nền tảng trực tuyến.
 
Cuộc chơi công bằng hơn
 
Trong một góc nhìn khác, ông Vũ Tiến Lộc – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng kinh tế số nói chung hay các nền tảng số nói riêng là cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.
 
Ông Lộc đánh giá khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng các nền tảng dùng chung thì lập tức ngang hàng với các doanh nghiệp lớn trong việc tham gia vào kinh tế số. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn có thể bình đẳng với các doanh nghiệp lớn trong việc tiếp cận thị trường cũng như công nghệ.
 
Ông lấy ví dụ một tiệm cơm bình dân có thể lên các app như Grab để bán hàng chỉ trong 1-2 ngày, thay vì mất hàng tháng trời và chi phí để tự làm web đặt hàng, mà chưa chắc chắn đã có khách nào biết để ghé thăm.

“Kinh tế số làm cho thế giới nhỏ lại, giúp các doanh nghiệp nhỏ lớn lên. Không còn lợi thế về quy mô quá nhiều như trước đây, điểm quan trọng hiện tại là chất lượng và sự năng động”, ông Vũ Tiến Lộc đánh giá.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng trong nền kinh tế số cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ trở nên công bằng hơn
 
Theo ông Lộc, các nền tảng số hiện nay đã được xây dựng hoàn chỉnh và hoạt động hiệu quả, tiếp cận nhiều khách hàng, khả năng xử lý giao dịch tốt, tính an toàn – bảo mật cao và được tích hợp nhiều hệ thống, giải pháp hỗ trợ giao dịch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể ngay lập tức tham gia giao dịch trực tuyến với chi phí và thời gian tối thiểu.
 
Không chỉ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Lộc cho rằng với cộng đồng doanh nghiệp nói chung thông qua nền tảng số có thể tiếp cận khách hàng rộng khắp hơn. Ví dụ nhiều doanh nghiệp lần đầu có thể xuất khẩu nhờ các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Bên cạnh đó, giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số và tăng năng suất hoạt động, nhờ có cơ chế và hạ tầng kết nối giao dịch hiệu quả của các nền tảng công nghệ kết nối, hệ thống điều phối nguồn lực, hỗ trợ thanh toán trực tuyến.
 
Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý
 
Về các giải pháp phát triển trong dài hạn, ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá nền kinh tế số tại Việt Nam đã có những kết quả khả quan như Việt Nam đứng thứ 22/60 quốc gia, tăng trưởng tăng 16% so với năm 2020, quy mô kinh tế số đạt 20% GDP.
 
Theo ông Nam, đây là những kết quả rất đang khích lệ như bức tranh kinh tế số cần hoàn thiện khung pháp lý, sớm có chiến lược tổng thể quốc gia về kinh tế số; quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, an toàn an ninh mạng…
 
“Cần phát triển khung pháp lý về các sản phẩm mới, mô hình kinh tế mới và có khung pháp lý về chia sẻ dữ liệu, tập trung hóa dữ liệu để tăng hiệu quả. Đặc biệt, cần hoàn thiện khung pháp lý giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại điện tử như Grab, Uber về giao thông vận tải. Các khung pháp lý cần bảo đảm trật tự quốc phòng an ninh trên không gian mạng theo các chuẩn mực quốc tế và cam kết quốc tế. Ngoài ra cần các chiến lược quy hoạch tầm quốc gia về chuyển đổi số và kinh tế số”, ông Nam đề xuất.

Trong khi đó, bà Lại Việt Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề thể chế. Bà cho biết trong 2 năm dịch COVID-19 vừa rồi, các doanh nghiệp muốn triển khai các dịch vụ để kết nối cung cầu, lưu thông hàng hóa để đến tay người tiêu dùng nhưng gặp rất nhiều vướng mắc.
 
“Nếu thể chế được khơi thông sẽ có tác dụng cho doanh nghiệp hơn rất nhiều so với những hình thức hỗ trợ tài chính”, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhận định.

Nguồn: VTV

Bùng nổ hậu Covid-19 và dự đạt quy mô 56 tỷ USD vào năm 2026, thị trường TMĐT đang dẫn đầu xu hướng khởi nghiệp Việt Nam

Thậm chí, không chỉ các "tay chơi" hiện hữu, loạt startup về TMĐT cũng nở rộ thời gian gần đây khi ngành FMCG dẫn đầu trong số 11 lĩnh vực của xu hướng khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2021. Và dù được chú trọng phát triển 2 năm qua, vẫn còn rất nhiều bất cập trong công cuộc số hoá tại nhiều doanh nghiệp.

Là quốc gia phát triển rất nhanh về đối tượng tiêu dùng trẻ cũng như xu hướng tiêu dùng nhanh, hiện đại hoá… thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam ghi nhận sự bùng nổ những năm gần đây, đặc biệt sau Covid-19.
 
Theo Báo Cáo từ Sách trắng TMĐT Việt Nam (Vietnam E-commerce White book) do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số Việt Nam (IDEA) phát hành, ngành TMĐT Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 18% vào năm 2020 với quy mô đạt 11,8 tỷ USD. Thậm chí, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử (GMV) dự kiến là 56 tỷ USD vào năm 2026.
 
Như vậy, TMĐT được đánh giá là bài toán sống còn của các doanh nghiệp bán lẻ trong thời buổi hiện nay. Thậm chí, không chỉ các "tay chơi" hiện hữu, loạt startup về TMĐT cũng nở rộ thời gian gần đây khi ngành FMCG dẫn đầu trong số 11 lĩnh vực của xu hướng khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2021. Và dù được chú trọng phát triển 2 năm qua, vẫn còn rất nhiều bất cập trong công cuộc số hoá tại nhiều doanh nghiệp.
 
Chia sẻ sâu về vấn đề này, ông Tình Nguyễn, giám đốc điều hành Vietnam MarTech, cho biết hệ sinh thái TMĐT ở thị trường toàn cầu cũng như Việt Nam đã phát triển rất nhanh chóng trong 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, sau nhiều năm làm việc trong môi trường kinh doanh của ngành TMĐT, ông và nhiều chuyên gia trong ngành đều nhận ra nhận ra rằng có một sự ngắt kết nối rất lớn giữa các doanh nghiệp TMĐT với các đơn vị cung cấp, phân phối hay phát triển các công cụ, công nghệ họ đang sử dụng hoặc nên sử dụng.
 
Nói cách khác, bản thân các doanh nghiệp hay nhà bán đang rất loay hoay không biết mình cần phải đầu tư các công cụ, công nghệ nào trong hoạt động kinh doanh và nếu có thì cũng khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp nhất cho doanh nghiệp của mình.
 
Chưa kể, trong ngành TMĐT, mỗi bên liên quan đều đang gặp phải các vấn đề của riêng mình. Cụ thể là, đối với các nhà cung cấp dịch vụ TMĐT thường đưa ra lời khuyên mang tính chất chung chung, phổ quát về các công cụ mà họ muốn sử dụng, tạo ra quy trình hợp lý cho họ chứ không thực sự hướng đến các nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp TMĐT.
 
Ngược lại, đối với các doanh nghiệp TMĐT mặc dù luôn có nhu cầu rất lớn trong việc chuyển đổi số và sẵn sàng đầu tư lớn cho việc ứng dụng công nghệ nhưng họ lại phải chịu áp lực lớn về cơm áo gạo tiền, ghi nhận tại báo cáo toàn cảnh các công cụ, công nghệ tốt nhất trong lĩnh vực TMĐT (Ecommerce Technology Landscape 2022 for Vietnam Ecommerce Merchants) do Vietnam MarTech xây dựng chính thức công bố phiên bản đầu tiên.
 
"Hầu như các nhà bán luôn phải chạy theo kênh tiếp thị, theo các chỉ tiêu doanh số mà không có thời gian để nghiên cứu chính xác các công cụ, công nghệ và tài nguyên mà họ cần, chưa nói tới việc tìm chúng ở đâu", báo cáo nhấn mạnh.
 
Bên cạnh đó, công nghệ vốn là lĩnh vực luôn đòi hỏi sự cập nhật liên tục, các chủ doanh nghiệp TMĐT không có đủ thời gian để bắt kịp với những thay đổi ngày nhanh như vũ bão của các xu hướng mới.
 
Một nghịch lý khác là bản thân các công ty công nghệ nói chung và trong lĩnh vực TMĐT nói riêng thường hạn chế trong khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm so với các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác. Họ có xu hướng không giỏi trong việc quảng bá sản phẩm của chính mình và không cũng không thích nói về giá cả, sự cạnh tranh và những hạn chế của họ.
 
Ngoài ra, kiến thức và sự hiểu biết, kinh nghiệm sâu sắc toàn diện về lĩnh vực công nghệ là rào cản chung khiến cho quá trình tiếp thị và tiếp cận doanh nghiệp TMĐT của các công ty cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là các công ty truyền thông chuyên cho ngành TMĐT dường như tập trung vào tiếp thị và giáo dục hơn là phân tích các công cụ và công nghệ. Tương tự, các nền tảng đánh giá công nghệ như G2Crowd, Capterra thì tập trung quá rộng vào các công nghệ dành cho các doanh nghiệp TMĐT vừa và nhỏ.
 
Và những đánh giá này cần có thêm tiếng nói có giá trị của các chuyên gia và những người hiểu biết sâu về công nghệ và về ngành TMĐT. Do đó, giải pháp cần thiết theo các chuyên gia là phải kết nối được các doanh nghiệp trụ cột và các thành viên liên kết trong ngành TMĐT. Song song, chúng ta cũng cần cung cấp cho người mua công nghệ cái nhìn tổng thể về bối cảnh công nghệ và những người tham gia thị trường TMĐT.

Nguồn: Trí thức trẻ

Những điểm nhấn thương trường thế giới Quý I/2022

Cuộc chiến Nga tấn công Ukraina đã chi phối gần như toàn bộ thị trường thế giới.

3 chủ đề nóng nhất

Khói lửa chiến tranh: Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã làm chao đảo thị trường toàn cầu và thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp trên thế giới.
 
Phương Tây đã vũ khí hóa tài chính để trừng phạt Tổng thống Putin, từ các biện pháp sâu rộng cho đến tịch thu du thuyền. Mỹ ngừng mua dầu của Nga, và các công ty lớn như McDonald’s và Coke cũng ngừng kinh doanh ở đó.
 
Trong khi đó, EU đang cố gắng loại bỏ dần năng lượng của Nga vào năm 2027. Nguồn cung từ Nga giảm đã khiến giá dầu, khí đốt, lúa mì, niken và các mặt hàng quan trọng khác tăng vọt. Dầu mỏ cung cấp năng lượng cho nền kinh tế toàn cầu, từ sản xuất, nông nghiệp đến vận chuyển. Giá năng lượng cao có thể sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế – và thậm chí có thể gây ra suy thoái kinh tế ở Mỹ.

Lạm phát gia tăng: Lạm phát của Mỹ đạt mức cao mới trong 40 năm vào tháng trước, với giá tiêu dùng tăng 8% so với một năm trước. Một gallon xăng đang chạm mức 7 USD ở một số tiểu bang.
 
Sau hai năm lãi suất gần bằng 0, Fed bắt đầu tăng lãi suất trong tháng này để hạ nhiệt giá, mặc dù chỉ bằng một nửa so với dự kiến. Bất chấp tất cả những bất ổn do chiến tranh gây ra, Chủ tịch Fed Powell nhấn mạnh kế hoạch tăng lãi suất nhiều hơn trong năm nay.
 
Giờ đây, Mỹ đang ở trong tình trạng “lạm phát bùng nổ” – lạm phát đi đôi với tăng trưởng mạnh và thị trường lao động gần như phục hồi. Nhưng trong một kịch bản ác mộng về kinh tế, đất nước này có thể bị “lạm phát đình trệ”: lạm phát cao nhưng tăng trưởng chậm chạp.

Bức tranh đầu tư: Cổ phiếu đã khởi đầu năm ở mức kỷ lục, sau khi chỉ số S&P 500 tăng 27% vào năm ngoái.
 
Sau ba tháng, các chỉ số chính đều giảm và Nasdaq giảm 10% so với mức kỷ lục vào tháng 11. Các cổ phiếu công nghệ khổng lồ như Amazon và Microsoft đang đè nặng lên toàn bộ thị trường. Khi tỷ lệ và lạm phát tăng, giá trị tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của các công ty cũng giảm xuống. Trong khi đó, các công ty phát triển mạnh nhờ đại dịch như Peloton, Netflix và Pinterest cũn đang lao dốc do nhu cầu sụt giảm.
 
5 con số biết nói
 

4,5 tỷ USD là tổng số giá trị bitcoin bị cho là đã rơi vào tay một cặp vợ chồng trong một vụ rửa tiền ảo lớn nhất lịch sử. Tội phạm mạng đang gia tăng và quy định về tiền điện tử của Mỹ đang được chuẩn bị.
 
250 tỷ USD là số tiền Meta đã mất trong một ngày khi công ty này công bố lần đầu tiên số lượng người dùng hoạt động hàng ngày của họ bị giảm. Mảng quảng cáo của Facebook cũng bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về quyền riêng tư của Apple, trong khi TikTok đang thu hút người dùng.
 
3,2 tỷ USD là giá trị của dòng sản phẩm quần áo Skims của Kim Kardashian, đã tăng gấp đôi trong năm qua và được thúc đẩy bởi một khoản tiền lớn. Các thương hiệu của người nổi tiếng như Savage X Fenty của Rihanna cũng đang phát triển mạnh.
 
18% là tỷ lệ dân số Trung Quốc sử dụng ví điện tử, trong tổng số 1,4 tỷ dân. Trung Quốc nằm trong số 87 quốc gia tạo ra các loại tiền kỹ thuật số do nhà nước kiểm soát, mặc dù nước này hiện đang cấm các loại tiền không được kiểm soát như bitcoin.
 
65 triệu USD là số tiền Ukraine đã quyên góp được từ tiền điện tử cho đến nay. Đó là một trong nhiều cách thức mới lạ, cùng với các khoản quyên góp từ Airbnb và Etsy, để thu hút cộng đồng đóng góp cho các nỗ lực toàn cầu.

3 xu hướng mới

Trào lưu IPO kết thúc: Các đợt IPO đã chậm lại đến mức nhỏ giọt trong quý này. Đó là điều hoàn toàn trái ngược với năm ngoái, khi các công ty đã huy động được mức kỷ lục 268 tỷ USD. Một phần lý do khiến các công ty tư nhân khổng lồ như Stripe đang trì hoãn là bởi 70% các đợt IPO của năm ngoái đã kết thúc năm giao dịch thấp hơn giá chào bán của họ.
 
Ngay cả Rivian, nhà sản xuất xe tải điện đầu tiên ra mắt thị trường với tổng trị giá lớn nhất năm ngoái, đã giảm 50% kể từ khi IPO. Instacart và những công ty khác đã hủy các đợt IPO theo kế hoạch và thời gian còn lại của năm dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra chậm chạp.

Trò chơi điện tử: Người tiêu dùng Mỹ đã chi 60 tỷ USD cho trò chơi điện tử vào năm ngoái – gấp đôi số tiền họ chi cho giải trí trực tuyến.
 
Take-Two, nhà sản xuất GTA từng công bố kế hoạch mua nhà sản xuất Zynga của Farmville với giá 12,7 tỷ USD trong một thương vụ lớn nhất mọi thời đại trong thế giới game – cho đến khi Microsoft đánh bại điều đó một tuần sau đó với giá 70 tỷ USD để mua Activision, cha đẻ của dòng game Call of Duty.
 
Giờ đây, trò chơi điện tử đang bước vào một giai đoạn mới: metaverse. Các gã khổng lồ công nghệ Meta và Nvidia đang chi hàng tỷ USD để xây dựng các metaverse và các nền tảng chơi game như Roblox có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút người dùng.
 
Vấn đề kiểm duyệt: Các nền tảng xã hội đang bị soi xét ngày càng nhiều trong các vấn đề về kiểm duyệt nội dung. Các thông tin bị cho là sai lệch về y tế đang dần tràn lan trên các nền tảng podcast. Những công ty khác như TikTok và Twitter đã phải đối phó với việc gia tăng thông tin sai lệch về cuộc chiến của Nga ở Ukraine, trong khi Meta cho phép người dùng kêu gọi bạo lực chống lại quốc gia này.

Nguồn: DĐDN