“Động lực CX” của chuyển đổi số

Doanh nghiệp quy mô tầm trung bắt đầu gặt hái thành công từ chuyển đổi số, cụ thể là đầu tư gia tăng trải nghiệm khách hàng (Customer Experience – CX).

Khá thú vị, 3/4 thương hiệu này đều có thành tích kinh doanh khả quan trong năm 2022 gắn liền với nhiều hoạt động chuyển đổi số. Ảnh: Quý Hòa

Báo cáo Vietnam Customers Experience Excellence (CEE  – Cung cấp trải nghiệm khách hàng xuất sắc) của KPMG năm 2022 cho thấy trong bảng xếp hạng Top 10  có đến 4 thương hiệu trong nước là PNJ, Viettel, Vietnam Airlines và Sacombank.
 
Trải nghiệm lên ngôi 
 
Khá thú vị, 3/4 thương hiệu này đều có thành tích kinh doanh khả quan trong năm 2022 gắn liền với nhiều hoạt động chuyển đổi số. Viettel, chẳng hạn, công bố doanh thu đạt 163.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 43.000 tỉ đồng, tăng lần lượt 6% và 3% so với năm 2021, đồng thời là mức lãi lớn nhất của doanh nghiệp này trong 5 năm trở lại đây. Tương tự là tình hình kinh doanh khả quan của PNJ và Sacombank. Năm 2022, PNJ đạt doanh thu thuần 33.876 tỉ đồng (tăng 73%) và lợi nhuận sau thuế 1.807 tỉ đồng (tăng 75,6%) so với cùng kỳ. Sacombank cũng ghi nhận lãi trước thuế hơn 6.300 tỉ đồng, tăng 142%.

Đầu tư CX đang gắn liền với kỳ vọng tăng trưởng doanh số các doanh nghiệp. Báo cáo IDC FutureScape: Worldwide Future of Customer Experience 2023 Predictions (Những dự đoán về trải nghiệm khách hàng toàn cầu) cho rằng ngay khi châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật) thoát khỏi ảnh hưởng của COVID-19 thì các vấn đề như lạm phát, thiếu hụt nhân tài và căng thẳng địa chính trị có thể xuất hiện vào năm 2023.
 
Để đối phó, các tổ chức đang phân bổ ngân sách từ từ thu hút khách hàng sang tích cực bảo vệ cơ sở khách hàng hiện tại. Cụ thể là ưu tiên đầu tư CX vì trong thời kỳ suy thoái kinh tế, khả năng phục hồi kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm có nghĩa là các tổ chức phải neo kết quả kinh doanh vào việc mang lại giá trị thực cho khách hàng.
 
“Với tình trạng không chắc chắn về kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến cả khách hàng B2B và B2C, điều bắt buộc đối với các tổ chức là phải đồng cảm, bối cảnh hóa và cung cấp trải nghiệm khách hàng sâu sắc để phát triển”, ông Seng Keong Low, Giám đốc Nghiên cứu, CX và Digital Native Business, IDC châu Á – Thái Bình Dương, cho biết.
 
Giải thích về sự trỗi dậy của CX, theo ông Nguyễn Minh Long, Giám đốc Điều hành AKA Digital (trực thuộc Lava Group), đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp quy mô trên 500 tỉ đồng ở Việt Nam, đầu tư chuyển đổi số chia làm 2 nhánh là đầu tư chuyển đổi số hoạt động doanh nghiệp (số hóa quy trình, tài liệu) và đầu tư CX.
 
Số hóa quy trình sẽ tiến tới hệ thống phân tích kinh doanh, phân tích thông minh. Nhưng quan trọng nhất là khách hàng phải tiếp xúc với doanh nghiệp, để lại thông tin thì hệ thống mới có cơ sở để phân tích. Vì thế, cách làm này phù hợp với đầu tư dài hạn vì dữ liệu doanh nghiệp cần đủ lớn, hệ thống mới tự phân tích, đề xuất kết quả và phù hợp với các mô hình kinh doanh cửa hàng truyền thống.
 
Tuy nhiên, trong bối cảnh hành vi người sử dụng thay đổi vì COVID-19, họ có thể tương tác với doanh nghiệp từ website, mạng xã hội, kênh thương mại điện tử, hay hệ thống cửa hàng nên cần các hệ thống tập hợp thông tin khách hàng từ những nguồn này. Theo PwC, năm 2022 số lượng người Việt mua hàng trực tuyến lên đến hơn 51 triệu lượt người, tổng chi tiêu cho việc mua sắm trực tuyến đạt 12,42 tỉ USD. Trong đó, có 73% cho biết họ thường xuyên mua hàng trên các nền tảng mua sắm thương mại điện tử và 59% cho biết họ từng đặt hàng hoặc mua sắm trên các website. “Chính vì thế, đầu tư CX đang được kỳ vọng hơn trong bối cảnh hiện nay”, ông Long nói.
 
Ai nhanh hơn?
 
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm bắt cơ hội này. Theo báo cáo của IDC, đến năm 2024, 50% trong tổng số 1.000 doanh nghiệp ở châu Á sẽ sử dụng CDP (nền tảng dữ liệu khách hàng để triển khai CX) để tương tác với khách hàng theo thời gian thực.
 
Con số này không nhiều. Tương tự như vậy, ở thị trường Việt Nam, dù xu hướng đầu tư CX đang lan rộng từ lĩnh vực thương mại điện tử, bán lẻ đến tài chính nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia vẫn khá khiêm tốn. Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối năm 2022, 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chưa chuyển đổi số vì rào cản chi phí.
 
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số khu việc miền Nam của Base.vn, cho biết dù doanh nghiệp nhìn thấy được lợi ích, nhưng quá trình chuyển đổi số quá dài, có thể mất 3-5 năm để hái được trái ngọt. “Khi dùng một khoản tiền, tất nhiên là doanh nghiệp nào cũng kỳ vọng nhận lại được ngay kết quả. Chuyển đổi số cũng vậy”, ông Tuấn Anh nói. Khái quát vấn đề hơn, ông Long của AKA Digital cho rằng vấn đề của doanh nghiệp khi đầu tư chuyển đổi số  theo thứ tự là không biết bắt đầu từ đâu, chi phí và quan ngại về năng lực nhân sự.

Trong bối cảnh đó, mô hình Best of Breed (tạm dịch: Chọn giải pháp tốt nhất trong lĩnh vực và có thể kết hợp với các giải pháp khác để tạo thành hệ sinh thái tổng thể) đang được nhắc đến kể từ sau dịch bệnh. Ông Long cho biết sự phát triển của công nghệ tiếp thị hiện nay hình thành các startup chuyên sâu mỗi lĩnh vực của CX. Điều này giúp doanh nghiệp chọn giải pháp tốt nhất và đầu tư cuốn chiếu thay vì đầu tư một giải pháp tổng thể ngay từ đầu.
 
Ông Long gợi ý với doanh nghiệp bán lẻ mới bắt đầu chuyển lên online sẽ không có dữ liệu gì về khách hàng nên thu thập dữ liệu hành vi tại các điểm chạm trên hành trình mua hàng đa kênh là cần thiết, vị vậy các giải pháp Tương tác Khách hàng (Customer Engagement) là ưu tiên hàng đầu.
 

Khi số lượng khách hàng và số sản phẩm bán online tăng lên thì doanh nghiệp sẽ có nhu cầu triển khai thử nghiệm sản phẩm nào phù hợp với nhóm khách hàng nào và thiết kế giao diện trên website/ứng dụng như thế nào để tối ưu trải nghiệm cá nhân của người dùng. Lúc này việc đầu tư các giải pháp thử nghiệm và cá nhân hoá giúp tạo ra trải nghiệm khách hàng online tốt hơn là điều cần làm theo.

 
Sau thời gian thâm nhập sâu vào bán hàng đa kênh, doanh nghiệp cần biết việc đầu tư vào kênh nào đem lại hiệu quả cao nhất, cần biết thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng trên website/ứng dụng đã tối ưu chưa thì lúc này cần đầu tư các giải pháp để phân bổ Marketing (Marketing Analytics). Cuối cùng, doanh nghiệp sẽ cần kết nối dữ liệu khách hàng từ kênh truyền thống và kênh online để tạo ra trải nghiệm đa kênh tốt nhất, doanh nghiệp cần một nền tảng chung để lưu giữ dữ liệu khách hàng với khả năng truy xuất gần như tức thời. Đó là lúc giải pháp dữ liệu Khách hàng (CDP) cần được đầu tư. “Đây là một ví dụ về đầu tư theo mô hình Best-of-Breed.”, ông Long nói.
Nguồn: NCĐT

Data Center tăng nhiệt

Cơ hội để Việt Nam thu hút dòng tiền đầu tư lớn vào các trung tâm dữ liệu (data center).

Hiện thị trường data center trong nước đang khá phân mảnh. Ảnh: TL

Xu hướng phát triển mạnh mẽ của những nền tảng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (A.I), dữ liệu lớn (Big Data), xây dựng đô thị thông minh, thương mại điện tử, fintech hay tham vọng biến TP.HCM trở thành trung tâm tài chính hàng đầu thế giới đang tạo cơ hội cho các khoản đầu tư vào lĩnh vực data center.
 
Keppel Corporation, chẳng hạn, mới đây tỏ ý định tham gia vào thị trường data center ở Việt Nam, bên cạnh mảng bất động sản, năng lượng. “Chúng tôi cũng xem xét các khả năng kinh doanh trung tâm dữ liệu, lĩnh vực mà Tập đoàn có thế mạnh”, ông Loh Chin Hua, Giám đốc Điều hành Keppel, nói. Tập đoàn này đã thực hiện nhiều thương vụ M&A vào các data center trên toàn cầu để thực hiện tham vọng dẫn đầu cuộc chơi công nghệ này.
 
Hiện thị trường data center trong nước đang khá phân mảnh. VNPT IDC đang là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường với hệ thống data center cung cấp dịch vụ tại nhiều tỉnh, thành, sở hữu 8 trung tâm dữ liệu trên toàn quốc. Đứng thứ 2 là Viettel IDC với 5 trung tâm dữ liệu, còn FPT Telecom đứng thứ 3. Các doanh nghiệp khác tham gia có CMC Telecom, KDDI Corporation, Hitachi Asia Vietnam, HP, SAP Vietnam, IBM Vietnam, Microsoft Vietnam and Amazon Web Services…

Hiện cả nước có khoảng hơn 30 trung tâm dữ liệu do hơn chục doanh nghiệp nội, ngoại, liên doanh đầu tư cung cấp dịch vụ. Trong đó, thị trường này chủ yếu do các công ty nước ngoài nắm giữ, chiếm khoảng 70-80% thị phần. Các công ty nội địa lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT và một số doanh nghiệp vừa và nhỏ khác chiếm thị phần còn lại. Ông Nguyễn Đình Tuấn, Trưởng phòng Kỹ thuật Viettel IDC, cho biết Việt Nam mới chỉ chiếm chưa được 1% số lượng data center toàn cầu nên còn rất nhiều cơ hội và khả năng phát triển.
 
Xu thế phát triển của các dịch vụ đám mây và công nghệ IoT (internet vạn vật) dẫn đến sự tăng trưởng về lưu lượng dữ liệu và sức mạnh tính toán. Doanh nghiệp, tổ chức phải sở hữu hay thuê nhiều hơn các hệ thống data center cho mục đích lưu trữ, quản lý và xử lý lượng khổng lồ thông tin để cạnh tranh được trên môi trường kỹ thuật số. Vì vậy, Research And Markets đánh giá Việt Nam đang nằm trong số 10 thị trường mới nổi của thế giới. Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đã đạt 858 triệu USD vào năm 2020, được dự báo sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng kép trên 14,64% cho đến năm 2026.

Khả năng sinh lợi khi đầu tư vào data center cơ bản phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như mức độ sử dụng của không gian trong data center, chi phí vận hành, chi phí điện năng, chi phí bảo trì và nâng cấp. Nhìn chung, tỉ suất sinh lợi của loại hình này khá cao khi dao động từ khoảng 8-15%, thậm chí hơn 20% tùy thuộc vào quy mô, chất lượng dịch vụ và vị trí.
 
Nhìn chung, hạ tầng dữ liệu và số của Việt Nam còn manh mún, kém phát triển so với quy mô dân số của thị trường và nhu cầu sử dụng dịch vụ internet. Sự tham gia của ngày càng nhiều nhà đầu tư có thể giúp thị trường cạnh tranh sôi động hơn, mang đến các công nghệ lưu trữ và xử lỹ dữ liệu tân tiến hơn. Tính đến năm 2022, Việt Nam mới chiếm khoảng 4% tổng vốn đầu tư trung tâm dữ liệu ở khu vực Đông Nam Á.
 
Đối với các quỹ đầu tư, data center được xếp vào loại tài sản thay thế (alternative) được thèm muốn vì nó là một loại tài sản độc đáo, có tính biến động thấp. Sự kết hợp của loại hình tài sản này với chứng khoán hay bất động sản sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho danh mục đầu tư.
 
Một lĩnh vực khác ăn theo xu thế phát triển của data center là cho thuê vị trí (colocation). Đó là ngành cho thuê không gian đặt máy chủ, cơ sở dữ liệu và phần cứng máy tính cho các đơn vị cung ứng data center. Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để trở thành một thị trường data center lớn trong khu vực. Khu vực phía Nam TP.HCM được ưu tiên đặt cơ sở cho các trung tâm dữ liệu, nhờ vào việc đảm bảo nguồn điện và độ trễ dữ liệu. Tuy nhiên, giá đất tại TP.HCM cũng tăng lên trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm và nguồn cung cấp điện hiện tại vẫn còn hạn chế. Vì vậy, các tỉnh, thành lân cận như Bình Dương hoặc Đồng Nai nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư data center.
 
Nhưng mặt trái của xu thế phát triển data center lại nằm ở vấn đề tiêu tốn nhiều năng lượng. Theo Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, tính từ năm 2010 đến nay, công suất tiêu thụ điện của các trung tâm dữ liệu Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, băng thông sử dụng tăng 10-15 lần.
 
Phát triển các data center xanh theo đúng các cam kết phát triển bền vững tại Việt Nam cũng đang là bài toán lớn. Theo Tiến sĩ Jung-Kuei Chen, Phó Chủ tịch, Viện Thí nghiệm Viễn thông Chunghwa Telecom, để giải quyết phần nào gánh nặng về năng lượng cho các data center, cần khai thác hiệu quả nguồn “điện xanh” như điện gió, điện mặt trời hoặc các năng lượng tái tạo khác… Đây cũng là lợi thế của Việt Nam khi thị trường năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh với tiềm năng thiên nhiên lớn về các nguồn năng lượng tái tạo khác nhau phân bổ rộng khắp trên toàn quốc.

Nguồn: NCĐT

SEMBA – “Khiên chắn” cho các cấp nhân sự trước cơn bão suy thoái kinh tế và sa thải

Làn sóng sa thải nhân sự đang gia tăng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Đầu năm 2023, đã có 175 công ty công nghệ cắt giảm hơn 60 nghìn nhân sự. Liệu có giải pháp nào cho các cấp nhân sự trong thời kỳ suy thoái?

 
Thực trạng suy thoái kinh tế và sa thải nhân sự tại Việt Nam
 
Cuối năm 2022, Công ty thương mại điện tử Carousell đã thải 10% nhân sự. Shopee cũng không nằm ngoài xu hướng này khi đã cắt giảm 7000 nhân sự trong cuối tháng 6, năm 2022. 
 
Theo CNN – Cable News Network, nguyên nhân dẫn đến cơn bão sa thải hàng loạt này là do các doanh nghiệp tuyển dụng quá nhiều trong thời kỳ đại dịch và nhiều nhân sự không đáp ứng được nhu cầu về năng lực trong quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp. 
 
Thực trạng này cho thấy hai bài toán lớn mà các các cấp nhân sự trong doanh nghiệp cần phải giải quyết:
Cấp nhân viên cần cập nhật kiến thức về công nghệ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và tăng tính cạnh tranh  cá nhân trong thị trường lao động.
Chủ doanh nghiệp và nhân sự cấp cao cần ứng dụng các công cụ công nghệ để tăng hiệu quả quản trị và độ chính xác khi ra quyết định.

SEMBA – Cơ hội chuyển mình cho các cấp nhân sự trong thời kỳ suy thoái
 
Tình trạng suy thoái kinh tế và sa thải hàng loạt cũng là cơ hội tốt cho người lao động và doanh nghiệp nhìn lại để hoàn thiện chính mình. Tại Hoa Kỳ, STEM được chính quyền Mỹ cực kì ưu tiên vì nó mang lại nhiều cơ hội việc làm, đóng góp nhiều cải tiến cho đất nước, giữ một vai trò quan trọng giúp Mỹ gia tăng lợi thế cạnh tranh trên nền kinh tế toàn cầu. Thuật ngữ “STEM MBA” (SEMBA)  vì thế cũng đặc biệt nổi tiếng và thu hút hàng ngàn sinh viên theo đuổi mỗi năm.
 
SEMBA là gì?
 
STEM là viết tắt của Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (Kĩ thuật), và Mathematics (Toán học/Dữ liệu).

Chương trình Thạc sĩ SEMBA (STEM MBA) được thiết kế trên những yếu tố cấu thành STEM, nhằm đem đến cho người học những kiến thức và bộ kỹ năng thực tế để ứng dụng cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Có thể kể đến:
Kiến thức chuyên sâu về công nghệ và khả năng làm việc độc lập để đưa ra quyết định giải quyết các vấn đề quản trị.
Phát triển năng lực STEM nhằm phân tích dữ liệu để áp dụng thực tiễn vào việc Quản trị bản thân và doanh nghiệp.
Kỹ năng áp dụng khoa học công nghệ và phân tích về quản trị.
Sở hữu những kỹ năng và tư duy đổi mới để các nhà quản trị có thể làm việc trong môi trường toàn cầu.
 
Trong bối cảnh kinh doanh và công nghệ luôn song hành cùng nhau, SEMBA được đánh giá là giải pháp ưu việt để nhân sự đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ đổi mới. Học  viên tốt nghiệp SEMBA được trang bị bộ kỹ năng đầy đủ, trọn vẹn, tân tiến, hợp thời và ưu việt để thích ứng nhanh chóng với thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin.
 

Nguồn: Vnexpress

Chủ tịch Thế Giới Di Động nói về lần đầu không đạt kế hoạch

Người đứng đầu tập đoàn nhìn nhận doanh nghiệp đã dám thử nghiệm và chấp nhận sửa sai, đồng thời đang chuẩn bị nền tảng cho giai đoạn phục hồi trở lại.

Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) – vừa nêu những thông điệp mới đến cổ đông, khách hàng và người lao động trong báo cáo thường niên 2022.
 
Doanh nghiệp trải qua năm 2022 đầy thách thức do yếu tố khách quan là tình hình vĩ mô không thuận lợi và cả nguyên nhân chủ quan là quyết định tái cấu trúc quyết liệt để vận hành tinh gọn, hiệu quả hơn.
 
Tập đoàn bán lẻ này ghi nhận doanh thu thuần hơn 133.400 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Trong khi lợi nhuận sau thuế lại giảm 8% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 4.100 tỷ đồng.
 
"Lần đầu tiên kể từ khi niêm yết, MWG chỉ hoàn thành được 95% chỉ tiêu doanh thu và 65% chỉ tiêu lợi nhuận so với kế hoạch", ông Tài thừa nhận.
 
Sau nhiều năm tăng trưởng cao và liên tục dồn sức cho mở rộng, những “cơn gió ngược” trong năm 2022 được xem là cơ hội để công ty tập trung rà soát hoạt động kinh doanh và củng cố nội lực.

Hiện MWG là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam với quy mô doanh thu 5,5 tỷ USD và mạng lưới hơn 5.500 cửa hàng trên toàn quốc. Nhà sáng lập nói rằng dám thử nghiệm và chấp nhận sửa sai là không thể thiếu để tạo ra những động lực tăng trưởng và phát triển vượt bậc trong tương lai.
 
Thực tế, thử nghiệm của tập đoàn này vẫn có những kết quả đáng kể như chuỗi Điện Máy Xanh Supermini (mô hình cửa hàng siêu nhỏ) đã mang về doanh thu 10.000 tỷ đồng từ hơn 1.000 điểm bán, chỉ sau hơn 2 năm mở rộng.
 
Hay TopZone – chuỗi cửa hàng ủy quyền chính hãng chuyên kinh doanh các sản phẩm Apple tại Việt Nam được ra mắt từ tháng 10/2021 – đóng góp hơn 2.600 tỷ đồng doanh thu từ 100 điểm bán.
 
Người đứng đầu tập đoàn cũng thẳng thắn nhìn nhận còn có những thứ chưa làm tốt, những điều chỉnh cần thực hiện để tồn tại và thích nghi với điều kiện kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng, những cản trở phải mạnh mẽ cắt bỏ để công ty có thể đi xa hơn.
 
Như chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh đã trải qua cuộc “đại phẫu” toàn diện; bao gồm tái định vị thương hiệu từ mô hình “chợ hiện đại” thành “siêu thị mini”, nâng chất lượng sản phẩm, cắt giảm một loạt cửa hàng không hiệu quả.
 
Sau tái cấu trúc, tập đoàn này chỉ còn quản lý 1.728 cửa hàng (giảm gần 20% so với 2021). Doanh thu trung bình trong những tháng cuối năm ổn định ở mức 1,3-1,4 tỷ đồng/cửa hàng.
 
Dù giảm số lượng điểm, tổng doanh thu của Bách Hóa Xanh vẫn đạt hơn 27.000 tỷ đồng, bằng 96% mức doanh thu kỷ lục của năm 2021 (khi khách hàng tích trữ hàng thiết yếu trong các đợt bùng phát dịch Covid-19).
 
Chuỗi nhà thuốc An Khang sau khi đạt quy mô 500 cửa hàng đã tạm ngưng mở rộng để tập trung tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chi phí để hướng đến vận hành có lợi nhuận.
 
MWG còn chủ động thu hẹp các chuỗi mới, chấm dứt những thử nghiệm mà không có tiềm năng tăng trưởng đủ lớn trong tương lai.
 
"Tôi tin rằng mỗi thành công hay thất bại đều mang lại bài học kinh nghiệm sâu sắc, là trải nghiệm quý báu giúp đội ngũ lãnh đạo kế thừa luôn tỉnh táo, thận trọng và kỷ luật trong các quyết sách điều hành", ông Tài nhìn nhận.
 
Đối với bức tranh kinh doanh 2023, người đứng đầu tập đoàn đưa ra góc nhìn có phần bi quan khi khách hàng có tâm lý tiêu dùng tiết kiệm cũng như chi phí doanh nghiệp tăng cao sẽ khó thay đổi trong năm 2023.
 
Các diễn biến vĩ mô bất lợi sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Khi đó, các doanh nghiệp không đủ sức chống chịu, không có khả năng cạnh tranh sẽ phải rời khỏi thị trường.
 
Dù vậy, trong khó khăn luôn có cơ hội, chủ tịch MWG nói rằng sự chủ động giải quyết các vấn đề nội tại và với lợi thế tài chính vững vàng sẽ là nền tảng cho doanh nghiệp sẵn sàng bứt phá khi hoạt động sản xuất, tiêu dùng hồi phục trở lại.

Nguồn: Zingnews

Mở rộng cơ hội kết nối, tiếp cận kho “tri thức” không giới hạn

Gần 500 cán bộ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp giao lưu, kết nối mở rộng mạng lưới, xây dựng thương hiệu cá nhân và định hình phong cách tại Master Outing Day 2023.

>> Chi tiết: https://cafef.vn/mo-rong-co-hoi-ket-noi-tiep-can-kho-tri-thuc-khong-gioi-han-188230331113703791.chn